Ung thư tuyến giáp là bệnh ung thư nội tiết thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 1% trong các loại ung thư. Ung thư tuyến giáp có chữa được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Vấn đề này còn phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn bệnh, sức khỏe người bệnh… Chúng ta sẽ có câu trả lời trong bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp là bệnh lý xảy ra khi các tế bào bên trong tuyến giáp phân chia lộn xộn, không theo kiểm soát của cơ thể, từ đó sinh ra các tế bào bất thường. Các tế bào bất thường này sẽ phát triển thành các khối u ác tính.
Có 4 loại ung thư tuyến giáp mà chúng ta thường gặp là các thể như thể nhú, nang, tủy, không biệt hóa. Trong đó, các loại thể tủy, thể không biệt hóa nguy hiểm hơn các loại còn lại.
– Bệnh ung thư tuyến giáp thể nhú: đây là loại ung thư phổ biến nhất, chiếm khoảng 70 – 80% tỷ lệ mắc bệnh. Loại ung thư giáp này tiến triển khá chậm, tiên lượng khá tốt và có khả năng điều trị cao, tỷ lệ di căn thấp
– Ung thư tuyến giáp thể nang: loại K giáp này chiếm 10 – 15% tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh có tốc độ tiến triển khá nhanh, có thể di căn vào cổ, phổi và xương nên rất nguy hiểm.
– Ung thư tuyến giáp thể tủy: loại ung thư này có tính chất di truyền, chiếm khoảng 5 – 10% tỷ lệ mắc bệnh. Loại này khá nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ tới tính mạng của người bệnh.
– Ung thư tuyến giáp ở thể không biệt hóa: đây là loại K giáp nguy hiểm nhất, chỉ chiếm khoảng 2% tỷ lệ mắc bệnh. Bệnh này gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh và khả năng điều trị khó.
Thường thì đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ không có triệu chứng rõ ràng khi ở giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển sẽ sờ thấy khối u, có cảm giác nghẹn ở cổ, giọng nói sẽ thay đổi. Lúc này, khả năng điều trị đã giảm thấp, người bệnh phải đối mặt với nhiều rủi ro. Bệnh ung thư tuyến giáp có chữa được không còn tùy vào từng thể loại bệnh, từ đó sẽ có tỷ lệ chữa khỏi ung thư tuyến giáp khác nhau.
Ung thư tuyến giáp có chữa được không?
Để trả lời câu hỏi ung thư tuyến giáp có chữa được không trước hết phải xem xét nhiều yếu tố. Điều đó phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh, mức độ ác tính từ tế bào bướu, tình trạng sức khỏe, độ tuổi bệnh nhân… Tuy nhiên, có thể nói rằng tiên lượng của bệnh này được coi là tốt nhất so với các loại ung thư khác, đồng thời ung thư tuyến giáp cũng đáp ứng điều trị tốt hơn với các bệnh khác.
Theo thống kê, bệnh tuyến giáp nằm trong top 5 bệnh ung thư có tỷ lệ điều trị khỏi hoàn toàn cao nhất hiện nay. Các chuyên gia y tế cũng chỉ ra rằng, đây là bệnh lý có khả năng điều trị cao, tiên lượng tốt nếu được phát hiện và can thiệp sớm bằng các biện pháp phù hợp. Trên thực tế, đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp sẽ có khả năng phục hồi sức khỏe thông qua phẫu thuật hoặc sử dụng liệu pháp iod phóng xạ. Để đưa ra được phác đồ phù hợp, bác sĩ sẽ xem xét mức độ ảnh hưởng, thể trạng người bệnh.
Ngoài tuân thủ theo phác đồ hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh còn phải kết hợp cùng chế độ dinh dưỡng, ăn uống khoa học. Có thể nói, tình trạng bệnh nhân phục hồi và có tiên lượng sống trên 10 năm cao, khoảng 80 – 90%. Đây là những con số khả quan, mang lại hy vọng cho bệnh nhân.
Đặc biệt, tỷ lệ điều trị ung thư tuyến giáp thành công sẽ tăng lên ở các trường hợp sau. Cụ thể:
– Bệnh nhân ung thư tuyến giáp ở thể nhú. Các khối u phát triển chậm sẽ tạo cơ hội để can thiệp loại bỏ ung thư, phòng tránh tình trạng di căn.
– Người mắc bệnh được phát hiện bệnh sớm, kết hợp cùng phương pháp điều trị thích hợp.
– Khối u chưa có dấu hiệu di căn sang những bộ phận khác xung quanh
Ngược lại, nếu ung thư tuyến giáp phát hiện khi ở giai đoạn muộn, đã bắt đầu di căn hoặc thuộc ung thư thể tủy, thể không biệt hóa thì tỷ lệ điều trị khỏi sẽ thấp hơn. Đối với trường hợp ung thư tuyến giáp hiếm gặp là anaplastic carcinoma thể không biệt hóa, thì tỉ lệ sống thấp, sống trên 5 năm chỉ dưới 7%.
Nếu được can thiệp điều trị bệnh ung thư tuyến giáp ngay từ giai đoạn đầu, bệnh có tỷ lệ chữa khỏi cao. Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp có chữa được không thì giai đoạn bệnh, khả năng đáp ứng điều trị, sức khỏe, độ tuổi, mới là yếu tố quyết định kết quả điều trị liệu có thành công hay không.
Các phương pháp phổ biến để điều trị ung thư tuyến giáp
Hiện nay, có khá nhiều phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp. Chẳng hạn như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, dùng thuốc điều trị…Tuy nhiên, thông thường các bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp chính là can thiệp ngoại khoa và sử dụng iod phóng xạ vì mang lại hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân.
1. Phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến giáp
Có khoảng 90% bệnh nhân ung thư tuyến giáp được chỉ định phẫu thuật điều trị. Đây là giải pháp tối ưu nhanh chóng loại bỏ khối u. Đặc biệt phương pháp này phù hợp khi khối u còn lưu trú ở một vị trí, chưa có dấu hiệu lan rộng sang các vùng khác.
Có thể cắt một phần tuyến giáp hoặc cắt hết tuyến giáp để loại bỏ khối u, ngăn ngừa các nguy cơ xấu có thể xảy ra. Với trường hợp đã di căn hạch cổ, sau khi thực hiện phẫu thuật có thể kết hợp điều trị bằng I-131.
Do cắt bỏ tuyến giáp nên người bệnh sẽ phải dùng một loại hormone thay thế tuyến giáp suốt đời.
2. Phương pháp điều trị I-131
Đây là phương pháp điều trị đặc trưng với loại bệnh ung thư này bởi các tế bào này có khả năng hấp thu iot tốt. Do đó, I-131 được sử dụng để phá hủy AND, làm chết các tế bào tuyến giáp bao gồm cả tế bào ung thư và tế bào lành tính. Chất phóng xạ này sẽ điều trị trúng đích ung thư tuyến giáp mà không gây n tác động nhiều tới cơ quan khác.
3. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp tiến triển
Phương pháp này sử dụng khi ung thư tuyến giáp đã di căn, lúc này phẫu thuật và sử dụng chất phóng xạ I-131 sẽ không đạt hiệu quả cao nữa. Khi đó bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng xạ trị ngoài cho các trường hợp di căn xương và di căn bộ phận khác để làm giảm tốc độ phát triển và lan rộng của các tế bào ác tính. Tùy vào diễn biến của bệnh, khu vực di căn của ung thư tuyến giáp mà có thể điều trị kết hợp như: điều trị đích, hóa xạ trị,…
Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi ung thư tuyến giáp có chữa được không là có thể nếu được phát hiện sớm. Do đó, nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra ngay khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường, không nên chủ quan trong bất cứ trường hợp nào.