Một kỷ lục Guinness thế giới mới được thiết lập khi Ritika Sharma (34 tuổi), người phụ nữ Bengaluru vừa loại bỏ 236 khối u xơ tử cung trong cơ thể mình. Đây được xem là trải nghiệm đau thương mà bất kỳ phụ nữ nào cũng không muốn phải trải qua. Vậy u xơ tử cung là gì? U xơ tử cung có gây nguy hiểm gì cho sức khỏe người phụ nữ không?
Bệnh u xơ tử cung là gì? U xơ tử cung có phải là ung thư không?
U xơ tử cung (hay u cơ tử cung) là khối u được tạo thành từ tế bào cơ trơn tử cung và mô liên kết dạng sợi phát triển ở tử cung của người phụ nữ.
Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy u xơ tử cung không phải được hình thành từ các tế bào ung thư. Do đó, u xơ tử cung là dạng lành tính, không phải là bệnh ung thư. Và rất hiếm trường hợp u xơ tử cung biến chứng thành ung thư.
Đối tượng nào dễ mắc u xơ tử cung?
U xơ tử cung có thể gặp ở mọi độ tuổi. Tuy nhiên, bệnh phổ biến hơn cả ở nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (30-50 tuổi). Đặc biệt, nguy cơ mắc u xơ tử cung tăng lên ở những trường hợp thừa cân, béo phì và không sinh con. U xơ tử cung ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây. Ước tính đến 40-50% phụ nữ có xuất hiện u xơ tử cung. Nhưng chỉ một số ít trong số đó nhận biết được bệnh ngay từ giai đoạn đầu.
U xơ tử cung có kích thước rất đa dạng. Các khối u có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau. Dựa vào vị trí, u xơ tử cung được phân loại: u xơ dưới thanh mạc; u xơ trong cơ tử cung, u xơ dưới niêm mạc… Đôi khi, u xơ tử cung được hình thành trong dây chằng, vòi trứng, hoặc cổ tử cung. Tùy từng trường hợp, khối u dính vào tử cung của người phụ nữ theo cấu trúc dạng cuống hay gốc.
Số lượng khối u là không giới hạn, thậm chí lên tới hàng trăm như trường hợp của cô Ritika Sharma (34 tuổi, Bengaluru) có tới 236 u xơ tử cung. Theo bác sĩ phẫu thuật cho Ritika Sharma, các khối u xơ của cô nằm ở nhiều vị trí bao gồm: bên trái tử cung, bên dưới bàng quang, niệu quản…
Về kích thước khối u xơ tử cung cũng là không giới hạn. Và khối u càng lớn thì mức độ ảnh hưởng của nó càng nhiều. Thực tế, tại Việt Nam, đã có trường hợp 1 phụ nữ 43 tuổi ở Bình Phước đã phẫu thuật thành công cắt bỏ khối u xơ tử cung khổng lồ nặng gần 6kg.
Dấu hiệu nhận biết bệnh u xơ tử cung
Là bệnh lành tính, u xơ tử cung xuất hiện rất thầm lặng. Vì thế, đa số phụ nữ bị u xơ tử cung không có triệu chứng lâm sàng trong giai đoạn đầu. Người bệnh chỉ phát hiện ra khối u khi siêu âm, khám phụ khoa… Và khi khối u có kích thước lớn hơn, các triệu chứng của bệnh rõ ràng hơn.
Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh u xơ tử cung là gì? Sau đây là một số triệu chứng phổ biến của bệnh:
– Rối loạn kinh nguyệt: kỳ kinh kéo dài, máu kinh nhiều, xuất huyết bất thường…
– Đau bụng dưới: Người bệnh thấy tức và đau bụng dưới. Cơn đau có thể từng cơn hoặc kéo dài trong nhiều ngày. Người bệnh cảm giác như đau bụng kinh.
– Ra nhiều khí hư: Khí hư xuất hiện nhiều, ra bất thường và có mùi khó chịu.
– Đi tiểu nhiều: Khi khối u lớn dần, nó sẽ chèn ép vào bàng quang và gây tiểu nhiều, tiểu liên tục.
– Táo bón: Kích thước khối u lớn sẽ chèn lên ruột, dạ dày và gây một số rắc rối trong tiêu hóa như đầy hơi, trướng bụng, táo bón…
– Đau khi quan hệ tình dục: Người bệnh bị đau khi quan hệ tình dục mà không rõ lý do. Trong một số trường hợp, chị em còn bị chảy máu sau khi quan hệ.
– Khó mang thai: Khi có kích thước lớn, khối u xơ tử cung sẽ khiến việc thụ thai gặp khó khăn, có thể dẫn tới vô sinh hiếm muộn.
Tùy từng trường hợp, các triệu chứng của u xơ tử cung có thể khác nhau. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh khiến chị em thường xuyên mệt mỏi, suy nhược cơ thể. Các biến chứng của bệnh có thể gặp là chảy máu, nhiễm khuẩn, ảnh hưởng tới chức năng sinh sản, gây vô sinh hiếm muộn, sảy thai…
Các phương pháp điều trị u xơ tử cung
Về điều trị, bác sĩ sẽ căn cứ vào các yếu tố như độ tuổi của người bệnh, kích thước khối u, các triệu chứng và mong muốn của người bệnh để lựa chọn phương pháp chữa trị thích hợp.
Đối với khối u xơ tử cung có kích thước nhỏ, không gây triệu chứng khó chịu cho người bệnh thì có thể chỉ theo dõi và tái khám định kỳ 6 tháng/lần.
Với trường hợp khối u đã có kích thước lớn, có gây biến chứng thì cần điều trị càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Điều trị nội khoa
Người bệnh được chỉ định dùng thuốc đưa hormone progestogen từ ngoài vào trong cơ thể với mục tiêu giảm sự phát triển của khối u, cải thiện các triệu chứng do khối u. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây một số tác dụng phụ như: khô âm đạo, mất ngủ… và bệnh dễ tái phát.
Điều trị ngoại khoa
Khi kích thước khối u lớn, dùng thuốc không mang lại hiệu quả mong muốn hoặc khối u gây biến chứng… thì bác sĩ có thể chỉ định điều trị ngoại khoa.
– Can thiệp mạch: Phương pháp này làm tắc động mạch tử cung làm khối u thiếu máu nuôi dưỡng. Từ đó, làm giảm kích thước khối u, dẫn tới khối u bị teo nhỏ hoặc hoại tử. Cách thực hiện thông qua điện quang can thiệp hay mổ nội soi thắt động mạch tử cung.
– Phẫu thuật: Tùy vào từng trường hợp cụ thể (độ tuổi, tình trạng bệnh, mong muốn có con), bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật bóc nhân xơ, cắt bán phần hoặc toàn bộ tử cung.
Rõ ràng, bệnh u xơ tử cung sẽ không còn quá đáng sợ khi chúng ta đã hiểu u xơ tử cung là gì và cách điều trị ra sao. Bên cạnh việc thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm thì chị em cần lưu ý có lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học và luôn giữ tinh thần thoải mái. Trong trường hợp mắc u xơ tử cung, bạn không nên quá lo lắng mà hãy lắng nghe lời khuyên của chuyên gia để trị bệnh đạt hiệu quả tối ưu.