U xơ tử cung khi mang thai là một vấn đề khiến rất nhiều mẹ bầu lo lắng. Bởi khối u có thể tăng kích thước và gây nhiều ảnh hưởng xấu tới thai kỳ. Vậy việc điều trị u xơ tử cung trong giai đoạn này cần thực hiện như thế nào?
U xơ tử cung khi mang thai và những rủi ro về sức khỏe
U xơ tử cung là bệnh phụ khoa có tỷ lệ mắc khá cao hiện nay. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn sinh đẻ với độ tuổi từ 30-50. Và không ít trường hợp chị em phát hiện bị u xơ tử cung khi đang mang thai. Đây là những trường hợp đặc biệt và cần cẩn trọng trong suốt quá trình thai kỳ.
Khi biết mình bị u xơ tử cung trong giai đoạn mang thai, hẳn mẹ bầu nào cũng lo lắng. Và tùy thuộc vào vị trí, kích thước, số lượng khối u và mốc thời gian nó xuất hiện mà ảnh hưởng của u xơ sẽ khác nhau. Sau đây là những rủi ro mà mẹ bầu và thai nhi phải đối mặt khi bị u xơ tử cung trong từng giai đoạn thai kỳ:
3 tháng đầu thai kỳ: Đây là thời điểm có nguy cơ xuất hiện u xơ tử cung cao nhất. Bởi trong thời gian này, người phụ nữ có nhiều thay đổi về nội tiết tố. Chị em thường có biểu hiện như: đau bụng, xuất huyết bất thường… Khi khối u càng lớn và có số lượng nhiều thì nguy cơ sảy thai càng tăng.
3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Trong giai đoạn này, tử cung của người mẹ cần mở rộng ra để thai nhi phát triển. Tuy nhiên, kích thước khối u lớn lên sẽ chèn ép vào tử cung và gây ra các triệu chứng như đau quặn bụng, làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non. Một vài trường hợp khiến nhau thai bị bong ra khỏi thành tử cung, làm thai nhi không nhận được máu nuôi dưỡng từ cơ thể mẹ. Từ đó, có thể đe dọa tính mạng của cả hai mẹ con.
Giai đoạn chuyển dạ: Thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ. Bởi nếu sinh thường thì khối u sẽ làm giảm khả năng co bóp của tử cung, làm tử cung không mở ra, làm chậm quá trình sinh nở, gây nguy hiểm cho cả 2 mẹ con. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị u xơ tử cung khi mang thai có ngôi thai ngược nên việc chỉ định mổ là cần thiết.
Đối với trường hợp không có chỉ định bóc tách khối u trong thai kỳ hoặc lúc sinh thì người bệnh sẽ được theo dõi sau khi sinh con. 6 tuần sau khi sinh, người bệnh cần tái khám để được kiểm tra, đánh giá và có phác đồ điều trị cụ thể. Cần lưu ý một số biến chứng do u xơ tử cung trong giai đoạn hậu sản là bế sản dịch, nhiễm khuẩn… Do đó, chị em không được chủ quan mà cần theo dõi kỹ để có biện pháp chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm do u xơ tử cung.
Những lưu ý mẹ bầu cần nhớ khi bị u xơ tử cung trong giai đoạn mang thai
Điều đầu tiên và cần luôn ghi nhớ đối với mẹ bầu giai đoạn này là chú ý theo dõi kỹ. Hãy tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ chỉ dẫn. Bên cạnh đó, chị em không nên quá lo lắng, cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì hãy trao đổi với bác sĩ và kiểm tra tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Không được tự ý dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Về chế độ ăn uống và sinh hoạt trong giai đoạn này, chị em có thể áp dụng một số phương pháp làm chậm sự phát triển của u xơ tử cung như:
- Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi…
- Tích cực bổ sung thực phẩm giàu kali như chuối, cam, đậu lăng, yến mạch…
- Thường xuyên uống sữa ít béo, cung cấp đủ nước cho cơ thể.
- Hạn chế ăn các thực phẩm có hàm lượng muối nhiều như đồ đóng hộp. Không nên ăn các món chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh…
- Tránh xa thực phẩm có hàm lượng estrogen cao như thịt đỏ (thịt bò, thịt chó…), nội tạng động vật.
- Không sử dụng đồ uống chứa caffein, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga và kiểm soát cân nặng trong thai kỳ…
U xơ tử cung là một bệnh lành tính nên chị em không nên quá lo lắng khi phát hiện có khối u trong giai đoạn mang thai. Rất nhiều trường hợp u xơ tử cung khi mang thai đã mẹ tròn con vuông và điều trị khỏi u xơ tử cung. Điều quan trọng nhất là chị em cần trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh, tránh lo lắng, căng thẳng và luôn tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bản thân và thai nhi.