U nang tuyến vú là tình trạng xuất hiện túi dạng nang bên trong chứa dịch ở bầu vú của người phụ nữ. Tuy là bệnh lành tính nhưng u nang vú cần điều trị sớm để tránh những khó chịu và bất tiện cho người bệnh.
Nguyên nhân gây u nang vú
Theo thống kê, có khoảng 25% trường hợp xuất hiện khối u ở vú là u nang. Túi nang vú có chứa dịch ở bên trong. Bệnh được chia thành dạng là u nang đơn giản, u nang phức tạp và u nang có biến chứng. Việc phân loại này phụ thuộc vào tính chất, đặc điểm, mức độ nguy hiểm của khối u. Nhưng hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều là lành tính nên người bệnh không cần quá lo lắng.
Khi xem xét về nguyên nhân hình thành u nang trong vú của người phụ nữ, các chuyên gia cho rằng đây là kết quả của quá trình tích tụ chất lỏng bên trong tuyến vú. Và một số yếu tố được xem là tác nhân gây nên tình trạng này là:
– Có sự dư thừa hormone estrogen trong cơ thể.
– Bị nhiễm trùng
– Tiểu thùy sữa có hiện tượng sưng, viêm
– Mất cân bằng nội tiết tố…
Đây là những nguyên nhân gây u nang ở tuyến vú rất dễ xảy ra trong suốt quá trình sinh đẻ cũng như giai đoạn tiền mãn kinh. Bởi vậy, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và chị em không nên chủ quan.
Những triệu chứng điển hình của bệnh u nang ở tuyến vú
Sự xuất hiện của khối u trong tuyến vú sẽ tác động tới cơ thể người phụ nữ. Trong giai đoạn đầu, khi khối u có kích thước nhỏ thì có thể triệu chứng xuất hiện rất ít. Nhưng sau đó, người bệnh có thể nhận thấy các biểu hiện bất thường sau đây:
– Thường xuyên bị căng tức, đau ở ngực.
– Bầu vú căng và có kích thước lớn hơn bình thường mà không phải trong giai đoạn cho con bú.
– Kích thước vú bị nhỏ lại, xẹp hơn bình thường sau chu kỳ kinh nguyệt.
– Khi sờ vào vú, có thể cảm nhận được sự tổn tại của khối u và đang di chuyển ở trong vú.
Có thể thấy, các triệu chứng của u nang tuyến vú rất quen thuộc và khiến chị em dễ nhầm lẫn với những dấu hiệu thông thường trước, trong và sau chu kỳ kinh nguyệt. Bởi thế, nhiều chị em thường chủ quan chỉ khi sờ thấy khối u trong vú thì mới đi khám.
U nang ở tuyến vú gây ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
U nang không phải là ung thư nên được xem là bệnh lành tính. Khi có khối u nang ở vú, chị em sẽ thường cảm thấy khó chịu bởi các triệu chứng của bệnh như căng tức và đau vú khi gần đến kỳ kinh. Trong trường hợp mắc bệnh khi đang cho con bú thì tuyến sữa rất dễ bị ảnh hưởng, gây nên tình trạng tắc tia sữa.
Bệnh không ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của chị em. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có thể tiến triển thành ung thư. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị thì chị em cũng cần điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày. Đế ngăn ngừa bệnh chuyển thành ung thư, chị em cần hạn chế ăn đồ ăn nhanh có ướp mặn (sandwich, pizza, hamburger…); thịt xông khói, đồ nướng, thực phẩm chứa nhiều đường; thức uống chứa cồn hoặc gas…
Phương pháp điều trị u nang tuyến vú
Để chẩn đoán u nang vú, trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi thăm các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của chị em. Sau đó, bác sĩ sẽ thăm khám vú, có thể chụp X-quang hoặc siêu âm, chọc hút tế bào kim nhỏ hoặc sinh thiết vú… Các phương pháp chẩn đoán này sẽ giúp bác sĩ xác định tính trạng bệnh và kiểm tra xem khối u có phải là ung thư không để từ đó có cách điều trị phù hợp.
Trong điều trị, đối với trường hợp u nang vú đơn giản mà không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào thì người bệnh không cần lo lắng và không phải áp dụng bất kỳ phương pháp chữa trị nào. Còn trong các trường hợp khối u phức tạp hơn và có ảnh hưởng, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp.
Các biện pháp điều trị u nang tuyến vú thường được áp dụng bao gồm:
– Chọc hút tế bào kim nhỏ: Mục đích của phương pháp này là dẫn lưu dịch ở trong khối u ra ngoài đến khi khối u biến mất hoàn toàn.
– Thuốc nội tiết: Người bệnh có thể dùng thuốc tránh thai để hạn chế u nang vú tái phát. Tuy nhiên, phương pháp này dễ gây tác dụng phụ nên cần cẩn trọng và lắng nghe tư vấn của bác sĩ. Đối với trường hợp sau mãn kinh thì người bệnh có thể ngừng điều trị nội tiết tố.
– Phẫu thuật: Nếu trường hợp khối u có gây khó chịu và thường xuyên tái phát thì bác sĩ có thể chỉ định mổ để loại bỏ u nang vú.
Bên cạnh đó, trong suốt quá trình điều trị, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau, túi chườm để giảm đau. Trong chế độ sinh hoạt, cần lưu ý mặc áo ngực phù hợp, hạn chế sử dụng các loại đồ uống chứa chất kích thích kết hợp chế độ ăn uống khoa học. Nên tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế ăn đồ ăn nhanh và các món chiên, nướng…
U nang tuyến vú không phải là bệnh hiểm nghèo nên chị em không nên quá lo lắng. Cần giữ tinh thần thoải mái và theo dõi chặt chẽ bệnh để điều chỉnh chế độ sinh hoạt cũng như lựa chọn phương thức điều trị phù hợp.