Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ mắc cao nhất trong nhóm bệnh ung thư tuyến nội tiết. Tuy nhiên, căn bệnh này lại có tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên tới 90% nếu được chẩn đoán, chữa trị kịp thời. Vậy nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp bắt nguồn từ những yếu tố nào và dấu hiệu nhận biết bệnh là gì?
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi nào?
Là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể, tuyến giáp có vị trí nằm ở trước cổ. Hormone tuyến giáp đảm nhiệm chức năng điều hòa thân nhiệt, tác động tới hoạt động của tuyến sinh dục, tăng nhịp tim, ổn định lượng canxi trong máu, đặc biệt là tác động tới sự phát triển của não bộ nói riêng và toàn bộ cơ thể nói chung. Do đó, bất kỳ vấn đề bất thường nào xảy ra ở tuyến giáp đều sẽ tác động tới sức khỏe của con người. Và ung thư tuyến giáp là rắc rối mà nhiều người lo lắng hơn cả!
Ung thư tuyến giáp xảy ra khi các tế bào tuyến giáp có sự thay đổi bất thường trong quá trình phát triển. Sau đó, các tế bào ung thư này tạo thành những khối u ác tính nằm tại tuyến giáp. Bệnh không loại trừ ai, không giới hạn về tuổi tác hay giới tính. Tuy nhiên, qua thống kê số ca mắc ung thư tuyến giáp, các chuyên gia nhận thấy: tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao hơn nam giới. Việc chẩn đoán, phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ giúp tiên lượng bệnh tốt hơn và khả năng chữa khỏi lên tới 90%.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư tuyến giáp
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư tuyến giáp. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, có một số yếu tố nguy cơ phổ biến là thủ phạm gây bệnh này.
1. Rối loạn miễn dịch
Đối với mỗi người, hệ miễn dịch tốt là điều cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Hệ miễn dịch sẽ giúp chúng ta chống lại sự tấn công của các yếu tố gây hại cho sức khỏe từ bên ngoài như virus, vi khuẩn, độc tố… Nhưng khi hệ miễn dịch bị rối loạn, khả năng nhận diện của yếu tố gây hại bị ảnh hưởng. Lúc này, chức năng bảo vệ cơ thể của nó bị suy giảm nên nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Đây cũng là nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp đầu tiên cần kể tới!
Mặt khác, hệ miễn dịch suy giảm cũng là điều kiện thuận lợi để tế bào ung thư phát triển và lan rộng. Do đó, việc tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao sức khỏe chính là điều vô cùng cần thiết để mỗi người chống lại bệnh tật, trong đó có ung thư tuyến giáp.
2. Di truyền
Đối với các bệnh ung thư nói chung thì có khoảng 5-20% trường hợp mắc bệnh là do di truyền. Và ung thư tuyến giáp không là ngoại lệ!
Trong trường hợp có người thân như bố, mẹ, anh, chị… mắc ung thư tuyến giáp thì bạn rất dễ mắc bệnh này. Theo số liệu được tổng hợp từ thực tế thì có tới 70% trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người thân mắc bệnh. Do đó, lời khuyên của bác sĩ đối với những trường hợp có người thân trong gia đình mắc ung thư tuyến giáp là cần theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, khám định kỳ 6 tháng/lần.
3. Nhiễm phóng xạ
Nhiễm phóng xạ là một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư. Các trường hợp nhiễm phóng xạ phải kể tới là sử dụng phóng xạ để điều trị các bệnh khác; nhiễm phóng xạ qua đường hô hấp, thực phẩm ăn hàng ngày… Bởi vậy, nếu muốn hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh, mỗi người cần cẩn trọng chú ý tới chế độ ăn uống và sinh hoạt của mình hàng ngày.
4. Mắc bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp rất dễ bị tổn thương. Có rất nhiều bệnh lý liên quan tới tuyến giáp như suy giáp, cường giáp, viêm tuyến giáp… Đây đều là những yếu tố nguy cơ và nếu không được chữa trị dứt điểm thì rất dễ dẫn tới biến chứng ung thư tuyến giáp.
Bởi vậy, nếu bạn gặp vấn đề rắc rối về chức năng tuyến giáp thì cần thăm khám, điều trị triệt để càng sớm càng tốt. Việc điều trị cần thực hiện đúng theo phác đồ để đạt hiệu quả tốt nhất và hạn chế nguy cơ biến chứng sau này.
5. Độ tuổi và sự thay đổi hormone
Không phải ngẫu nhiên mà tỷ lệ phụ nữ tuổi trung niên và cao tuổi mắc ung thư tuyến giáp cao hơn nam giới. Nguyên nhân được chỉ ra là do ở độ tuổi này, họ có sự thay đổi hormone rõ rệt. Chính điều này khiến nữ giới tuổi trung niên và cao tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh lý tuyến giáp như bướu cổ, suy giáp, viêm tuyến giáp… Từ đó, nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp của họ cũng tăng lên.
Bên cạnh 5 nguyên nhân thường gặp trên thì ung thư tuyến giáp còn có thể là hậu quả của việc bổ sung thiếu i-ốt cho cơ thể; thói quen sinh hoạt không khoa học như uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá; béo phì…
Các triệu chứng điển hình của bệnh ung thư tuyến giáp
Tương tự như các bệnh ung thư khác, ung thư tuyến giáp trong giai đoạn đầu tiến triển rất âm thầm và hầu như không có triệu chứng. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể thấy xuất hiện một số dấu hiệu nhưng rất mờ nhạt và dễ nhầm với bệnh lý khác.
Người bệnh có thể cảm nhận thấy những sự thay đổi về sức khỏe cụ thể như:
- Xuất hiện khối u cứng ở vị trí tuyến giáp trước cổ. Khối u di động theo nhịp nuốt.
- Giọng nói thay đổi, khàn tiếng
- Cảm thấy vướng mắc ở cổ họng, khó nuốt
- Khó thở
- Nổi hạch ở cổ
- Da vùng cổ có sự thay đổi về màu sắc, thâm hơn hoặc có vết sùi loét…
Khi đã xuất hiện đầy đủ các triệu chứng này thì rất có thể bệnh ung thư tuyến giáp đã bước sang giai đoạn nặng, thậm chí đã di căn sang các bộ phận khác trên cơ thể. Do đó, ngay khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, mỗi người cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để thăm khám, tìm ra nguyên nhân và chữa trị kịp thời.