Với hình dạng như một chú bướm nhỏ nằm ở cổ, tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi và chuyển hóa các chất trong cơ thể. Ung thư tuyến giáp là bệnh lý nguy hiểm nhất về tuyến giáp khiến ai cũng lo sợ. Vậy dấu hiệu, triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp là gì và có những phương pháp điều trị nào?
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp
Ung thư tuyến giáp có tỷ lệ người mắc ở phụ nữ cao hơn nam giới, đặc biệt là độ tuổi trung niên. Bệnh tồn tại ở nhiều thể khác nhau như thể nhú, thể nang, thể tủy và không biệt hóa.
Đối với ung thư tuyến giáp trong giai đoạn đầu, các biểu hiện thường âm thầm và dễ khiến người bệnh chủ quan không đi khám hoặc nhầm sang bệnh lý khác. Trong giai đoạn đầu, kích thước khối u ở tuyến giáp thường không quá 2cm và chưa gây ảnh hưởng xấu nhiều. Nếu phát hiện bệnh kịp thời trong giai đoạn đầu thì khả năng chữa khỏi bệnh là rất cao.
Vậy ung thư tuyến giáp có dấu hiệu, triệu chứng như thế nào? Sau đây là một số triệu chứng điển hình của ung thư tuyến giáp theo từng giai đoạn mà bạn cần lưu ý.
Dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến giáp ở giai đoạn sớm
Thông thường, người bệnh sẽ thấy các dấu hiệu này trong giai đoạn đầu của ung thư tuyến giáp. Dấu hiệu sớm nhất của bệnh là tình trạng sưng cổ. Tức là người bệnh thấy cổ to bất thường khi soi gương. Ngoài ra, người bệnh có thể sờ thấy các khối u và hạch bất thường ở cổ. Khi sờ, bạn sẽ thấy khối u khá cứng, có bờ rất rõ. Khối u sẽ chuyển động cùng nhịp nuốt. Đối với các hạch thì lại có khả năng di động, mềm hơn và nằm cùng phía với khối u.
Bên cạnh dấu hiệu sưng cổ, trong giai đoạn đầu này, người bệnh có thể xuất hiện thêm các triệu chứng khác như:
– Khản tiếng, giọng nói có thay đổi
– Ho kéo dài mà không rõ lý do, dùng thuốc không đỡ
– Cảm thấy đau ở trước cổ, cơn đau lan sang phía sau tai
– Khó nuốt khi ăn, uống nước.
– Khó thở, mệt mỏi…
Triệu chứng ung thư tuyến giáp trong giai đoạn phát triển
Theo thời gian, khi khối u đã phát triển và bệnh chuyển sang giai đoạn nặng thì các biểu hiện của ung thư tuyến giáp sẽ xuất hiện rầm rộ với mức độ nghiêm trọng hơn, bao gồm:
– Nhìn rõ và sờ thấy khối u với kích thước lớn, cứng ở vị trí cố định trước cổ
– Khó thở, khản tiếng do khối u chèn vào khí quản và dây thanh quản
– Thường xuyên bị nghẹn ở cổ họng, khó nuốt kể cả khi uống nước
– Vùng da ở cổ có sự thay đổi màu sắc, da sạm lại, có thể thâm đỏ, chảy máu.
Dấu hiệu cảnh báo bệnh ung thư tuyến giáp tái phát
Ngay cả trong trường hợp phát hiện và điều trị kịp thời thì người bệnh cũng cần luôn tầm soát bệnh cẩn thận. Bởi nguy cơ tái phát ung thư tuyến giáp lên tới 30%. Đặc biệt, tỷ lệ tái phát ung thư ở cổ chiếm đến 80% còn lại là ung thư tuyến giáp tái phát di căn xa.
Khi ung thư tuyến giáp tái phát, người bệnh sẽ thấy có các triệu chứng:
– Sưng ở cổ, xuất hiện khối u. Kích thước khối u phát triển rất nhanh.
– Đau ở tại vị trí khối u ở cổ và có thể lan rộng đến tận mang tai.
– Khàn tiếng, giọng nói thay đổi rõ rệt.
– Khó nuốt khi ăn uống và cảm thấy khó thở.
– Ho liên tục trong thời gian dài mà dùng thuốc điều trị thông thường không đỡ…
Có thể nói các biểu hiện của ung thư tuyến giáp rất đa dạng tủy thuộc vào giai đoạn cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu phát hiện bệnh muộn, tế bào ung thư đã di căn thì tiên lượng của bệnh sẽ xấu đi và ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của người bệnh. Vì vậy, ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, bạn không nên chủ quan mà cần thăm khám để tìm ra chính xác nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời. Trong trường hợp được kết luận bị ung thư tuyến giáp thì bạn cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ.
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Hiện nay, với sự phát triển của y học, người bệnh ung thư tuyến giáp sẽ có nhiều lựa chọn trong điều trị hơn. Căn cứ vào loại ung thư, giai đoạn của bệnh, tình hình sức khỏe và mong muốn của người bệnh cũng như các tác dụng phụ có thể xảy ra mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp. Sau đây là một số phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp phổ biến hiện nay:
Phẫu thuật: Loại bỏ một phần hoặc toàn bộ khối u để hạn chế nguy cơ tế bào ung thư. Có nhiều kỹ thuật phẫu thuật có thể được sử dụng trong phương pháp này như phẫu thuật chuẩn, nội soi tuyến giáp. Đây là phương pháp phổ biến được áp dụng nhưng có thể gây một số biến chứng như tổn thương các tuyến, cơ quan lân cận; nhiễm trùng vết mổ…
Điều trị hormone: Người bệnh được cung cấp một liệu pháp hormone tuyến giáp trọn đời, giúp kìm hãm sự phát triển của bất kỳ tế bào ung thư nào còn lại sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp. Các tác dụng phụ có thể xảy ra là gây cường giáp, suy giáp, làm người bệnh thấy mệt mỏi, tăng cân…
Phóng xạ i-ốt: Phương pháp này thường được chỉ định cho trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, u nang, thể biệt hóa đã di căn đến hạch bạch huyết và cơ quan khác… Người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, đau sưng cổ… Phụ nữ nên tránh mang thai ít nhất 1 năm sau khi áp dụng phương pháp này.
Xạ trị: Phương pháp này thường được chỉ định trong một số trường hợp nhất định như ung thư giai đoạn cuối. Xạ trị được áp dụng sau khi đã tiến hành phẫu thuật và không được chỉ định đối với trường hợp trẻ tuổi. Tác dụng phụ của phương pháp xạ trị là đỏ da, buồn nôn, mệt mỏi…
Hóa trị: Người bệnh được chỉ định dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Các thuốc được sử dụng có thể gây tác dụng phụ như: tiêu chảy, buồn nôn, rụng tóc…
Rõ ràng việc nhận biết dấu hiệu, triệu chứng bệnh ung thư tuyến giáp không hề dễ dàng vì trong giai đoạn đầu bệnh tiến triển âm thầm. Tuy nhiên, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/ lần sẽ là cách đơn giản nhất để bạn phát hiện bệnh nhanh nhất. Trong trường hợp bị ung thư tuyến giáp, người bệnh cần lắng nghe tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học và cần luôn giữ tâm trạng thoải mái để đạt hiệu quả tốt nhất.