Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Đặc biệt, với dạng ung thư tuyến giáp biểu mô nhú thì mức độ nguy hiểm ít. Vậy hiện nay, có những biện pháp điều trị ung thư tuyến giáp nào?
Chẩn đoán và phân loại ung thư tuyến giáp
Thông thường, chúng ta bắt đầu nghi ngờ mắc bệnh lý tuyến giáp khi thấy bất thường ở cổ lúc soi gương. Đối với phụ nữ thì có thể nhận ra khi trang điểm còn nam giới có thể là lúc cạo râu. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy những triệu chứng khác như khản tiếng, mệt mỏi, ho kéo dài…
Khi tới cơ sở y tế thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định có tổn thương không, đánh giá giai đoạn của bệnh, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp chẩn đoán ung thư tuyến giáp thường được áp dụng là siêu âm tuyến giáp, xạ hình tuyến giáp, sinh thiết tuyến giáp, định lượng calcitonin huyết thanh… Ngoài ra, người bệnh có thể được chỉ định một số xét nghiệm khác như chụp cắt lớp vi tính đầu cổ, chụp X-quang…
Ung thư tuyến giáp được chia ra 4 thể dựa vào tính chất bệnh:
– Ung thư tuyến giáp thể nhú (chiếm tới 70-80% trường hợp mắc ung thư tuyến giáp): Bệnh tiến triển chậm và khả năng chữa trị khỏi cao hơn so với các thể khác. Ung thư tuyến giáp thể nhú có thể di căn hạch cổ nhưng tiên lượng cũng khá tốt nếu được phát hiện, chữa trị sớm.
– Ung thư tuyến giáp thể nang (chiếm khoảng 10-15% trường hợp ung thư tuyến giáp): Bệnh tiến triển nhanh hơn so với thể nhú và có thể di căn hạch cổ cũng như tới các vị trí xa hơn như xương, phổi… nên mức độ nguy hiểm cũng cao hơn.
– Ung thư tuyến giáp thể tủy (chiếm khoảng 5-10% trường hợp ung thư tuyến giáp): Bệnh thường liên quan tới các yếu tố nguy cơ như vấn đề về nội tiết hoặc di truyền.
– Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa (chiếm dưới 2% trường hợp ung thư tuyến giáp): Đây là thể nguy hiểm nhất và thường có đáp ứng kém đối với điều trị.
Dù mắc ung thư tuyến giáp ở thể nào thì việc phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách cũng luôn đóng vai trò then chốt quyết định tới hiệu quả chữa trị bệnh. Đặc biệt, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.
Những phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp
Khi kết quả chọc hút tế bào tuyến giáp cho thấy là ung thư tuyến giáp thì bác sĩ sẽ đưa ra phương thức điều trị phù hợp. Thông thường, trong điều trị bệnh ung thư tuyến giáp sẽ cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, bác sĩ cần căn cứ vào các yếu tố như: dạng ung thư, giai đoạn ung thư tuyến giáp; tình hình sức khỏe của người bệnh, tác dụng phụ…
Sau đây là một số phương pháp chữa trị ung thư tuyến giáp thường được áp dụng:
– Phẫu thuật
Với phương pháp này, khối u sẽ được loại bỏ hoàn toàn, có thể cắt một phần tuyến giáp xung quanh khối u. Đây là phương pháp được áp dụng cho đa số bệnh nhân ung thư tuyến giáp.
Thông thường, tùy vào độ lớn của khối u mà bác sĩ sẽ lựa chọn hình thức phẫu thuật bao gồm:
– Cắt bỏ 1 bên thùy chứa khối ú
– Cắt bỏ phần lớn tuyến giáp, chỉ để lại một phần nhỏ
– Cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp
Về kỹ thuật phẫu thuật để cắt bỏ tuyến giáp, bác sĩ cũng có nhiều lựa chọn như: phẫu thuật chuẩn (rạch 1 đường nhỏ ngay giữa cổ); nội soi tuyến giáp; phẫu thuật bằng robot… Tuy nhiên, đối với việc phẫu thuật bằng robot thường không được ưu tiên áp dụng. Khi phẫu thuật, người bệnh sẽ đối mặt với nguy cơ biến chứng như tổn thương các tuyến hoặc cơ quan lân cận; tăng canxi máu; nhiễm trùng vết mổ… Nếu dây thần kinh thanh quản bị tổn thương, người bệnh có thể mất giọng trong thời gian ngắn, nặng hơn có thể vĩnh viễn.
– Điều trị hormone
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được chỉ định liệu pháp điều trị hormone tuyến giáp trọn đời. Liệu pháp này sẽ giúp kìm hãm, ngăn chặn sự phát triển của những tế bào ung thư còn sót lại. Phương pháp này sẽ do bác sĩ chuyên khoa nội tiết chỉ định.
Tuy nhiên, người bệnh cần cẩn trọng một số tác dụng phụ của liệu pháp này như bị cường giáp, suy giáp, gây tương tác xấu với các loại thuốc khác mà người bệnh đang sử dụng…. Về số lượng và liều lượng horomone sử dụng đối với mỗi trường hợp cũng khác nhau tùy thuộc vào dạng ung thư tuyến giáp mắc phải, độ tuổi và sức khỏe của người bệnh. Liệu pháp này cần được theo dõi nồng độ hormone chặt chẽ, thường xuyên để có sự điều chỉnh liều lượng phù hợp với từng giai đoạn.
– Điều trị phóng xạ i-ốt
Phương pháp này thường được chỉ định cho trường hợp ung thư tuyến giáp thể nhú, thể u nang, thể biệt hóa đã di căn đến hạch bạch huyết và các cơ quan khác. Đối với liệu pháp i-ốt phóng xạ có thể đưa vào cơ thể người bệnh ở dạng lỏng hoặc viên nén. Lưu ý, trước khi thực hiện, người bệnh cần hạn chế ăn i-ốt trong thực đơn hàng ngày, tạm dừng dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp.
Khi áp dụng phương pháp này, người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau ở cổ, viêm tuyến nước bọt… Liều i-ốt phóng xạ cao có thể gây vô sinh ở nam giới.
– Xạ trị
Việc sử dụng tia X chiếu trực tiếp vào cơ thể sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Liệu pháp này thường được chỉ định khi ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối, tiến hành sau phẫu thuật. Xạ trị không được chỉ định đối với trường hợp người trẻ tuổi mắc ung thư tuyến giáp. Sau xạ trị, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như đỏ da, đau họng khi nói, khó nuốt, mệt mỏi… Sau đó, các triệu chứng này sẽ hết dần.
– Hóa trị
Phương pháp hóa trị thường kết hợp nhiều loại thuốc khác nhau để tiêu diệt tế bào ung thư. Các tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải sẽ phụ thuộc vào sức khỏe của họ và liều lượng thuốc sử dụng. Những tác dụng phụ hay gặp là mệt mỏi, nhiễm trùng, rụng tóc, chán ăn… rồi sẽ hết khi dừng thuốc.
Việc điều trị ung thư tuyến giáp cần sự kiên trì và tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần chú trọng chế độ ăn uống phù hợp, sinh hoạt khoa học, tránh căng thẳng, lo lắng để giúp quá trình điều trị sớm đạt hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt, khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, người bệnh cần tới bệnh viện chuyên khoa thăm khám ngay để có hướng xử lý kịp thời.