Ung thư phổi khi đã di căn xương chính là giai đoạn cuối của bệnh ung thư phổi. Hiện nay, vẫn chưa có phương pháp ngăn chặn và loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư phổi khi đã di căn xương. Lúc này, các phương pháp điều trị tập trung chủ yếu vào giảm đau, ngăn ngừa nguy cơ gãy xương và các biến chứng khác cho người bệnh. Vậy bệnh nhân ung thư phổi di căn xương sống được bao lâu? Chúng ta sẽ cùng tìm lời giải đáp trong bài viết này nhé!
Thế nào là ung thư phổi khi di căn xương?
Ung thư phổi di căn xương sống được bao lâu? Trước khi giải đáp vấn đề này chúng ta nên hiểu rõ căn bệnh này là gì.
Bệnh ung thư phổi ở giai đoạn đầu không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, người bệnh thường hay nhầm lẫn với bệnh lý đường hô hấp khác. Theo thống kê, khoảng 70% bệnh nhân đến bệnh viện ở giai đoạn muộn. Lúc này, tế bào ung thư phổi có thể đã lan rộng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Các vị trí ung thư phổi thường di căn đến gồm: Xương, gan, não, hạch bạch huyết, tuyến thượng thận.
1. Ung thư phổi di căn vào hệ xương như thế nào?
Ung thư phổi di căn xương xảy ra khi các tế bào ung thư tách rời khỏi khối u ban đầu, theo đường máu hoặc hệ thống bạch huyết để đi đến tủy xương. Protein cytokin ở trong tủy xương chính là nguyên nhân hấp dẫn các tế bào ung thư đến đây. Vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân bị ung thư phổi di căn đến xương khá cao, khoảng 30-40%.
Tế bào ung thư phổi thường di căn đến các vị trí xương như: Cột sống (chủ yếu là đốt sống ở vùng ngực và bụng dưới); Xương chậu; Xương trên của cánh tay và chân. Ung thư phổi được xem là một trong những loại ung thư khá đặc biệt khi có thể lan đến cả tay và chân.
2. Các triệu chứng của ung thư phổi khi di căn xương
– Đau xương: Đây là triệu chứng đặc trưng nhất khi ung thư phổi di căn đến xương. Ban đầu cơn đau có cảm giác như bị kéo hoặc căng cơ, sau đó tiến triển thành cơn đau dữ dội hơn. Theo thời gian, mức độ và tần suất đau sẽ ngày càng tăng lên, nhất là khi bạn cử động.
– Chèn ép tủy sống: Nếu tế bào ung thư di căn ở trong xương cột sống có thể sẽ chèn ép vào tủy sống. Bệnh nhân sẽ thấy ngứa ran ở chân hoặc đau khi cử động, đi lại. Nếu tủy sống bị chèn ép ở khu vực cột sống dưới, người bệnh sẽ có nguy cơ bị suy thoái ruột và bàng quang. Đây là trường hợp được đánh giá vô cùng nguy hiểm.
– Gãy xương: Do tế bào ung thư hút các chất dinh dưỡng nên chức năng của xương bị yếu đi, xương giòn và dễ gãy hơn. Tình trạng xương gãy có thể xảy ra ngay cả khi người bệnh không có va chạm nghiêm trọng nào. Các vị trí thường hay bị gãy gồm: cẳng chân, cánh tay và xương cột sống.
– Buồn nôn và nôn, thường xuyên khát nước, lơ mơ hoặc mệt mỏi, ăn không ngon miệng: Những triệu chứng này là do tế bào ung thư phá hủy xương, giải phóng canxi vào máu.
Các phương pháp chẩn đoán ung thư phổi khi di căn xương
Để chẩn đoán được vị trí, số lượng và kích thước khối u di căn xương, người bệnh sẽ làm xét nghiệm máu và xạ hình xương. Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm, mức độ và vị trí đau xương, bệnh nhân sẽ tiến hành chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp PET. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể sinh thiết mô xương để chẩn đoán chính xác hơn.
Phương pháp điều trị khi ung thư phổi di căn xương
Ung thư phổi di căn xương thực ra không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh cũng đừng nên quá lo lắng về việc ung thư phổi di căn xương sống được bao lâu. Các phương pháp điều trị hiện nay có thể giúp người bệnh giảm nhẹ triệu chứng, giảm đau, tăng calci máu, nâng cao sức đề kháng, cải thiện chất lượng sống lâu dài.
Các phương pháp điều trị ung thư di căn xương:
– Điều trị toàn thân: Thực hiện hóa trị, dùng thuốc chống huỷ xương, thuốc nội khoa (giảm đau).
– Phẫu thuật: Giải chèn ép tủy sống, thực hiện mô bệnh học.
– Xạ trị giảm đau:
+ Tổn thương di căn xương đơn ổ: Xạ trị chiếu ngoài bằng máy xạ trị gia tốc.
+ Tổn thương di căn xương đa ổ: Xạ trị chiếu trong bằng thuốc phóng xạ P-32.
Làm thế nào để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư phổi di căn xương?
Để tăng chất lượng sống cũng như kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư, ngoài phương pháp điều trị, chúng ta cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, vận động, tinh thần cho người bệnh.
1. Chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng tốt sẽ giúp cho người bệnh tăng sức chiến đấu với căn bệnh ung thư. Vì vậy, bữa ăn cần đa dạng thực phẩm, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Hãy cẩn trọng với các chế độ ăn kiêng được cho là có thể chữa khỏi bệnh ung thư.
Mặt khác, bệnh nhân ung thư thường cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn nên hay ăn ít, bỏ bữa. Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể, chúng ta có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Không nên ăn quá mặn và hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, chế biến sẵn.
2. Chế độ vận động
Quá trình điều trị cùng với tác dụng của phương pháp điều trị có thể khiến người bệnh mệt mỏi, cơ thể yếu đi. Các bác sĩ gọi đó là tình trạng giảm hoạt động sinh lý. Nhiều nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất không chỉ giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống trong và sau khi điều trị ung thư, mà còn làm giảm nguy cơ tái phát ung thư và tăng tỷ lệ sống sót.
Đối với bệnh nhân ung thư phổi di căn xương nên chọn những bài tập an toàn, không ảnh hưởng đến hệ thống xương (do xương dễ gãy). Khi mới bắt đầu tập thể dục, hãy bắt đầu với những bài tập cấp thấp, có nhịp độ chậm.
3. Sức khỏe tinh thần
Một tinh thần lạc quan chính là chìa khóa vàng giúp bạn chống chọi được với bệnh ung thư. Để tinh thần luôn thoải mái, người bệnh có thể chia sẻ với bác sĩ, người thân, bạn bè, tham gia các hoạt động của cộng đồng bệnh nhân ung thư.
Mở lòng hơn và tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác cũng là một cách rất tốt giúp chúng ta giải tỏa căng thẳng, cũng như tiếp thêm động lực trong quá trình điều trị căn bệnh quái ác này.
Hãy nhớ rằng, câu hỏi bệnh nhân ung thư phổi di căn xương sống được bao lâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố xung quanh. Vì thế, đừng mất thời gian lo lắng cho thứ mình không kiểm soát được. Thay vào đó, hãy coi trọng quãng thời gian còn lại, tận hưởng niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày bạn nhé.