Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh ung thư đường sinh dục hay gặp nhất ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ tuổi trung niên. Ngay khi phát hiện và được chẩn đoán bệnh thì điều lo lắng nhất của chị em là liệu ung thư buồng trứng có chữa được không? Và có những phương pháp nào chữa bệnh ung thư buồng trứng?
Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Có một thực tế là tỷ lệ phụ nữ mắc ung thư buồng trứng ngày càng tăng lên. Theo thống kê, tại Việt Nam, có khoảng 1.200 trường hợp mắc ung thư buồng trứng mới mỗi năm.
Ung thư buồng trứng xảy ra khi xuất hiện các tế bào bất thường phát triển không tuân theo nhu cầu của cơ thể ở buồng trứng. Theo thời gian, các tế bào này sẽ tạo thành những khối u ác tính, có thể xâm lấn và phá hủy một số cơ quan lân cận. Ung thư buồng trứng được chia thành các thể như: ung thư biểu mô buồng trứng, ung thư tế bào mầm, ung thư mô đệm…
Khi xem xét về nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, các chuyên gia y tế đưa ra một số yếu tố nguy cơ như:
– Có đột biến gen BRCA1, BRCA2
– Di truyền: Trường hợp có mẹ hoặc chị, em gái bị ung thư buồng trứng thì có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với bình thường.
– Không sinh con hoặc sinh ít con.
– Thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai, thắt vòi trứng…
– Có kinh nguyệt sớm và mãn kinh muộn
– Người thừa cân, béo phì
– Thường xuyên sử dụng bột talc…
Bên cạnh đó, các yếu tố khác trong chế độ sinh hoạt, ăn uống không khoa học cũng có ảnh hưởng tới sức khỏe và tạo điều kiện thuận lợi để ung thư buồng trứng phát triển.
Ung thư buồng trứng có chữa được không?
Khi mắc ung thu buồng trứng, nhiều người tự hỏi ung thư buồng trứng có chữa được không? Trong giai đoạn sớm, ung thư buồng trứng thường có các biểu hiện rất dễ nhầm với những bệnh lý khác. Các triệu chứng cảnh báo của bệnh hay gặp là: đau ở vùng bụng dưới; rối loạn tiêu hóa; đi tiểu nhiều; đầy bụng; chán ăn; tăng hoặc giảm cân không rõ lý do; chảy máu âm đạo bất thường; đau khi quan hệ tình dục…
Khi tất cả các triệu chứng này cũng xuất hiện dồn dập trong một thời gian là lúc bệnh đã bước sang giai đoạn nặng và việc điều trị gặp nhiều khó khăn hơn. Do đó, ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu này, chị em không nên chủ quan mà cần tới cơ sở chuyên khoa để thăm khám tìm ra nguyên nhân. Vậy bệnh ung thư buồng trứng có chữa khỏi được không?
Để giải đáp lo lắng này của người bệnh, các bác sĩ thường căn cứ vào các yếu tố như: thời điểm phát hiện bệnh, kích thước khối u, tình trạng sức khỏe và sự đáp ứng với phác đồ điều trị của người bệnh. Trước hết, chúng ta cần xem xét mức độ nặng của bệnh.
Các giai đoạn ung thư buồng trứng
Thông thường, ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Tế bào ung thư chỉ khu trú trong buồng trứng hoặc ống dẫn chứng mà chưa xuất hiện ở những bộ phận khác. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư đã xuất hiện rải rác trong ổ bụng. Ở giai đoạn này, việc chữa khỏi bệnh hoàn toàn là rất khó nhưng tỷ lệ người bệnh sống trên 5 năm khi được chữa trị tốt lên tới 90%.
– Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã bắt đầu lan sang các vị trí khác xung quanh khung chậu như tử cung, ống dẫn trứng, bàng quang… Bước sang giai đoạn này, khả năng sống trên 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 70%. Việc chữa bệnh khỏi triệt để sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với giai đoạn 1.
– Giai đoạn 3: Trong giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan trong khung chậu đến ổ bụng, thậm chí là đến cả hạch bạch huyết, gan, lá lách. Kích thước khối u có thể nhỏ hoặc lớn hơn 2cm. Cơ hội sống sót sau 5 năm của người bệnh chỉ khoảng 39%. Tuy nhiên, thay vì bi quan, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị để loại bỏ tận gốc tế bào ung thư để kéo dài thời gian sống.
– Giai đoạn cuối: Tế bào ung thư đã di căn tới những bộ phận khác trong cơ thể. Việc điều trị trong giai đoạn này gặp nhiều khó khăn và có hiệu quả không cao. Hy vọng sống trên 12 năm đối với người bệnh chỉ khoảng 20%.
Phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Để điều trị ung thư buồng trứng, bác sĩ thường căn cứ vào giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh để lựa chọn phương pháp phù hợp. Hiện nay, có rất nhiều cách chữa ung thư buồng trứng được áp dụng.
Phẫu thuật
Phương pháp này thường được dùng trong giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng. Bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thật loại bỏ khối u. Tùy thuộc vào kích thước và vị trí của khối u mà người bệnh được chỉ định mổ hở hoặc nội soi. Nếu người bệnh muốn sinh con thì có thể giữ lại một bên buồng trứng, tử cung chưa xuất hiện tế bào ung thư.
Hóa trị liệu
Bác sĩ sẽ truyền hóa chất vào trong ổ bụng hoặc đưa thuốc vào cơ thể qua đường uống và tiêm để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể gây một số tác dụng phụ như: buồn nôn, rụng tóc, chán ăn, mệt mỏi… Việc kiểm tra mức độ đáp ứng thuốc của người bệnh cần được thực hiện thường xuyên để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng tia phóng xạ để diệt tế bào ung thư. Xạ trị được thực hiện tại vị trí khối u hoặc toàn thân. Người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như nôn, tiêu chảy, mệt mỏi…
Điều trị trúng đích
Đây là phương pháp chuyên biệt dùng một số loại thuốc đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong trường hợp ung thư không có tế bào nhỏ thì tỷ lệ chữa khỏi khá cao và ít tái phát. Nếu tế bào ung thư nhỏ nằm rải rác trong cơ thể thì cần một phác đồ điều trị riêng.
Điều trị nội tiết
Người bệnh sẽ được chỉ định dùng hormone hoặc thuốc có tác dụng ức chế hormone để tiêu diệt tế bào ung thư. Trong trường hợp bệnh tái phát thì cần kết hợp điều trị bằng cách phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị.
Trong suốt quá trình điều trị ung thư buồng trứng, người bệnh cần khám định kỳ, theo dõi sự tiến triển của bệnh 1-2 tháng/lần. Sau 5 năm, người bệnh cần tái khám ít nhất 1 lần mỗi năm.
Để có được câu trả lời chính xác cho băn khoăn “Ung thư buồng trứng có chữa được không” là hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Từ đó cho thấy việc tầm soát và phát hiện bệnh có vai trò quyết định đối với hiệu quả của quá trình điều trị. Bởi vậy, chị em cần đặc biệt chú ý tới những dấu hiệu bất thường để thăm khám và phát hiện bệnh kịp thời. Nên khám sức khỏe tổng quát 1 lần mỗi năm.