Ung thư buồng trứng là bệnh lý ung thư đứng thứ 5 gây tử vong ở phụ nữ. Việc điều trị ung thư buồng trứng cần lựa chọn phác đồ phù hợp và có sự hợp tác của người bệnh để đạt hiệu quả tối ưu. Vậy những phương pháp điều trị bệnh hiện nay là gì và có ưu nhược điểm nào?
Ung thư buồng trứng gây nguy hiểm như thế nào?
Cũng tương tự như các loại ung thư khác, ung thư buồng trứng có thể gây tử vong cho người bệnh nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Tỷ lệ sống trên 5 năm của người bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh đang ở giai đoạn nào. Ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn căn cứ vào sự phát triển của tế bào ung thư.
Nếu ung thư buồng trứng được phát hiện, điều trị kịp thời ngay trong giai đoạn 1 thì người bệnh có cơ hội sống trên 5 năm lên tới 95%. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn hơn thì tỷ lệ sống trên 5 năm sẽ giảm chỉ còn 70% (ở giai đoạn 2) và 39% (ở giai đoạn 3). Bước sang giai đoạn 4 khi tế bào ung thư đã lan rộng thì việc điều trị gặp nhiều khó khăn, tiên lượng bệnh không tốt, tỷ lệ sống trên 5 năm là rất thấp.
Bởi vậy, việc phòng ngừa và tầm soát ung thư là vô cùng quan trọng với mỗi người phụ nữ, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ tuổi trung niên, sinh ít con, không sinh con; có mẹ hoặc chị em bị ung thư buồng trứng… Chị em không được chủ quan khi thấy các dấu hiệu bất thường như: đầy bụng; đau bụng dưới; đau lưng; rối loạn tiêu hóa; đi tiểu nhiều; mệt mỏi; đau khi quan hệ tình dục… Cần đi khám càng sớm càng tốt để thăm khám và chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
Tập hợp những phương pháp điều trị ung thư buồng trứng từ A đến Z
Để chẩn đoán chính xác xem mình có mắc ung thư buồng trứng hay không, chị em cần tới cơ sở chuyên khoa để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng. Các biện pháp được thực hiện bao gồm:
+ Xét nghiệm CA 125 trong máu: Thông thường, 80% trường hợp mắc bệnh sẽ có nồng độ CA 125 cao hơn mức bình thường.
+ Siêu âm: Người bệnh có thể được chỉ định siêu âm đầu dò để thấy rõ kích thước, cấu trúc của khối u…
+ Khám vùng chậu: Kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường nào ở âm hộ, âm đạo, buồng trứng, tử cung… của người bệnh không.
+ Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc cắt lớp vi tính (CT) giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.
+ Chụp X-quang ngực, sinh thiết…
Sau khi đã thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ sẽ nắm rõ tình trạng bệnh để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Căn cứ vào giai đoạn bệnh, sức khỏe và mong muốn của người bệnh mà sẽ có chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp luôn được ưu tiên lựa chọn trong chữa trị bệnh ung thư buồng trứng. Mục tiêu của phương pháp này không chỉ là loại bỏ khối u, tiêu diệt tế bào ung thư mà còn giúp bác sĩ kiểm tra chính xác giai đoạn ung thư và xác định những tổn thương tại ổ bụng.
Sau khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành sinh thiết khối u nếu có nghi ngờ bất thường về bệnh. Việc cắt bỏ khối u không có nghĩa là bệnh đã khỏi hoàn toàn vì rất có thể tế bào khối u đã di căn, lan sang các vị trí khác. Do đó, người bệnh cần tái khám định kỳ và tuân thủ các chỉ định của bác sĩ.
2. Hóa trị
Trong trường hợp sau phẫu thuật vẫn còn những tế bào ung thư chưa loại bỏ hết thì người bệnh cần đến phương pháp hóa trị. Đây là cách đơn giản giúp bạn tiêu diệt tế bào ung thư.
Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng hóa chất để điều trị. Hóa chất sẽ được truyền qua tĩnh mạch, ổ bụng vào trong cơ thể người bệnh. Các hóa chất này sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể bao gồm cả tế bào ung thư và tế bào bình thường. Người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, đau đầu, sạm da, chán ăn…
3. Xạ trị
Trong phương pháp xạ trị, bác sĩ sẽ sử dụng các tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư trong cơ thể người bệnh. Phương pháp này cũng tác động tới cả những tế bào bình thường. Một số tác dụng phụ mà người bệnh có thể gặp phải là mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy…
4. Liệu pháp điều trị đích
Liệu pháp này sẽ tập trung vào sự phát triển, phân chia cũng như yếu tố lan rộng của tế bào ung thư. Liệu pháp điều trị đích sẽ tấn công, ngăn chặn các gen, protein trong tế bào ung thư để hạn chế sự hình thành, phát triển của bệnh. Tùy thuộc vào loại thuốc và phản ứng của cơ thể mà người bệnh sẽ gặp những tác dụng phụ khác nhau như mệt mỏi, viêm da…
Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể kết hợp điều trị miễn dịch kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học để tăng cường sức đề kháng cho người bệnh, giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng và tái phát. Đồng thời, người bệnh cũng cần duy trì tâm lý thoải mái, tránh bi quan, buồn phiền…
Điều trị ung thư buồng trứng là một quá trình cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh và bác sĩ. Do đó, để đạt hiệu quả tốt nhất, chị em cần phát hiện bệnh sớm và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Lưu ý, duy trì chế độ ăn uống cung cấp đủ dưỡng chất và tinh thần thoải mái trong suốt quá trình điều trị bệnh.