Ung thư đại tràng là một căn bệnh nguy hiểm, phát triển qua 4 giai đoạn. Nếu bệnh được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời ở giai đoạn đầu, tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90%. Tuy nhiên ở giai đoạn 3, khi tế bào ung thư đã bắt đầu di căn, tỷ lệ chữa khỏi giảm dần và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vậy trong quá trình điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3, người bệnh cần phải lưu ý những gì, hãy tham khảo bài viết sau đây.
Đặc điểm ung thư đại tràng giai đoạn 3
Ở giai đoạn này, ung thư đại tràng được chia thành 3 giai đoạn nhỏ là 3A, 3B, 3C (IIIA, IIIB, IIIC). Lúc này, các tế bào ung thư đã phát triển mạnh, di căn ra bên ngoài và đi đến các hạch bạch huyết xung quanh đại tràng. Tiên lượng sống trên 5 năm đối với bệnh nhân ở giai đoạn này khoảng 60%.
– Giai đoạn 3A: Các tế bào ung thư lan qua lớp trong cùng của thành ruột, thậm chí có thể đến lớp cơ của thành đại tràng. Ở bên trong các mô gần hạch bạch huyết đã xuất hiện tế bào ung thư.
– Giai đoạn 3B: Các tế bào ung thư đã xâm lấn đến lớp ngoài cùng của thành đại tràng, chưa xâm lấn đến các cơ quan lân cận. Thường có 3 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Tế bào ung thư tiếp tục phát triển qua lớp cơ của thành ruột đến lớp thanh mạc. Di căn từ 1 – 3 hạch bạch huyết lân cận.
Trường hợp 2: Tế bào ung thư có thể phát triển đến lớp thanh mạc của thành ruột. Di căn từ 4 – 6 hạch bạch huyết lân cận.
Trường hợp 3: Tế bào ung thư có thể phát triển đến lớp dưới niêm mạc hoặc lớp cơ của thành ruột. Di căn đến các hạch bạch huyết lân cận.
– Giai đoạn 3C: Lúc này các tế bào ung thư phát triển nhanh và sâu hơn, đồng thời xâm lấn qua lớp ngoài cùng của thành đại tràng nhưng chưa lây lan đến các cơ quan lân cận. Có thể di căn nhiều hơn 7 hạch bạch huyết.
Các triệu chứng thường gặp của ung thư đại tràng giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, các triệu chứng về bệnh đã xuất hiện rõ ràng hơn như:
– Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Tiêu chảy, táo bón, phân mỏng…
– Chảy máu trong đường tiêu hóa, dẫn đến đi đại tiện ra máu hoặc phân sẫm màu.
– Đau quặn bụng, chướng bụng, đau tức vùng bụng, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài…
– Đau hậu môn, co thắt hậu môn không kiểm soát
– Có thể sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng
– Thường xuyên mệt mỏi, lên cơn sốt bất thường, sút cân nhanh.
Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác nhất về ung thư đại tràng giai đoạn 3, ngoài việc dựa vào các triệu chứng, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm cần thiết và thủ thuật nội soi đại tràng để kiểm tra. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 phù hợp.
Các phương pháp điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3
Điều trị ung thư đại tràng bao gồm các phương pháp: phẫu thuật, xạ trị và hóa chất. Tùy vào yếu tố tiên lượng bệnh và thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ phù hợp. Đối với quá trình điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể thực hiện một phương pháp hoặc phối hợp nhiều phương pháp.
1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị ung thư đại tràng phổ biến nhất hiện nay, thực hiện phẫu thuật mở hoặc nội soi ổ bụng, có thể cắt bỏ được hết hoàn toàn khối u. Đối với bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn 3, phẫu thuật sẽ cắt bỏ một phần đại tràng và các hạch bạch huyết xung quanh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bị tái phát do phẫu thuật không thể lấy hết được các tế bào vi di căn. Các vị trí tái phát thường gặp nhất ở khoang trước xương cùng, khu vực miệng nối trực tràng, sàn chậu (ung thư trực tràng thấp), thành khung chậu, hạch vùng chậu.
2. Hóa trị
Là phương pháp dùng thuốc tiêm truyền hoặc đường uống để tiêu diệt các tế bào ung thư. Trong quá trình hóa trị bệnh nhân có thể dùng một loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc. Hóa trị có thể thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật để làm nhỏ kích thước khối u và bảo tồn được cơ thắt đối với u trực tràng thấp. Tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là hóa chất không chỉ tiêu diệt tế bào ung thư mà còn làm tổn hại đến các tế bào bình thường. Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ như: tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn, rụng tóc, cơ thể mệt mỏi…
3. Xạ trị
Sử dụng tia X năng lượng cao để làm teo hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư. Cũng giống như hóa trị, phương pháp này được thực hiện trước mổ cho khối u teo lại để dễ mổ hơn nếu khối u quá lớn hoặc nằm ở vị trí khó mổ. Thực hiện sau mổ để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Các liệu pháp xạ trị hiện nay gồm xạ trị tia chùm ngoài, xạ trị lập thể. Tác dụng phụ của xạ trị: mệt mỏi, đau dạ dày, tiêu chảy, dị ứng da…
Nhiều trường hợp bệnh nhân không đủ sức khỏe để tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp hóa trị, xạ trị riêng lẻ hoặc hóa – xạ kết hợp. Hóa chất khi kết hợp xạ trị làm tăng nhạy cảm tế bào ung thư với tia X, giúp nâng cao khả năng tiêu diệt các tế bào vi di căn còn lại sau phẫu thuật.
Những lưu ý sau khi điều trị điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3
Người bệnh cần lưu ý, sau khi điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3, cần chú ý đến thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục và ngăn chặn bệnh tái phát như:
– Tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
– Không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích.
– Hạn chế rượu bia
– Hạn chế sử dụng thịt đỏ và các loại thực phẩm chế biến sẵn
– Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất xơ như: rau củ, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt. Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung thực phẩm giàu chất xơ sẽ giúp đào thải chất thải ra bên ngoài, giảm đi 40% nguy cơ bị polyp đại tràng (polyp này có thể phát triển thành tế bào ung thư).
– Thường xuyên khám và tầm soát sức khỏe định kỳ