Là một trong những bệnh ung thư ở đường ruột, ung thư trực tràng rất dễ di căn sang những cơ quan khác và gây nhiều hậu quả khôn lường. Vậy ung thư trực tràng di căn đi đâu và gây nguy hiểm như thế nào?
Ung thư trực tràng di căn là gì?
Thông thường, ung thư trực tràng bắt đầu từ một khối u phát triển tại lớp niêm mạc trong của trực tràng hay ruột kết. Theo thời gian, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tế bào ung thư đó sẽ phát triển và lan rộng tới các cơ quan, mô khác.
Con đường lây lan của tế bào ung thư sang các bộ phận khác thường qua hệ thống mạch máu, bạch huyết hoặc dịch màng bụng. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư lan sang các bộ phận khác do tai biến trong phẫu thuật. Đối với ung thư trực tràng, các cơ quan mà tế bào ung thư thường lan tới là gan, phổi, xương, hạch bạch huyết, não… Trong đó, gan là cơ quan dễ lan tới nhất. Hiện tượng này chính là ung thư trực tràng di căn.
Các triệu chứng của bệnh ung thư trực tràng ở giai đoạn di căn
Điều khiến nhiều người lo lắng chính là các triệu chứng của ung thư trực tràng giai đoạn đầu rất mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Đến khi bước sang giai đoạn sau, triệu chứng của bệnh mới rõ ràng hơn.
Các triệu chứng điển hình của bệnh là:
– Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy, phân hẹp… trong thời gian dài.
– Phân có màu đen, lẫn máu tươi
– Đau bụng hoặc có co thắt bụng
– Đi ngoài xong vẫn thấy nặng bụng, khó chịu.
– Thiếu máu, người xanh xao, mệt mỏi
– Sụt cân nhanh không rõ lý do…
Khi ung thư trực tràng đã di căn thì các triệu chứng của người bệnh sẽ phong phú hơn và phụ thuộc vào vị trí mà tế bào ung thư di căn tới. Cụ thể như nếu di căn đến gan, người bệnh có thể bị vàng da, trướng bụng… Nếu di căn tới phổi thì người bệnh dễ bị khó thở. Trong trường hợp di căn tới xương thì triệu chứng điển hình là đau nhức xương khớp, dễ bị gãy xương. Khi tế bào ung thư di căn đến não thì người bệnh hay bị chóng mặt, nhức đầu…
Bởi vậy, khi đã phát hiện bị ung thư trực tràng, người bệnh cần theo dõi tình trạng sức khỏe thật cẩn thận. Nếu thấy bất kỳ hiện tượng bất thường nào thì cần đi kiểm tra ngay để tránh bị di căn và bệnh tiến triển nặng hơn.
Ung thư trực tràng khi di căn – Nguy hiểm khôn lường!
Có thể nói, ung thư khi đã di căn thì việc chữa trị sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn. Và mức độ nguy hiểm của bệnh cũng nâng lên.
Nếu như trước khi di căn, người bệnh có thể được điều trị bằng các phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… với tiên lượng tốt và khả năng kéo dài sự sống cao. Nhưng khi tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác, đặc biệt là cơ quan nội tạng (gan, phổi…) thì tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm chỉ chưa tới 20%.
Theo giới chuyên môn, thời gian sống của người bệnh ung thư trong giai đoạn di căn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố bao gồm:
– Độ tuổi người bệnh: Người trung và cao tuổi thường phát hiện ung thư trực tràng khi đã ở giai đoạn muộn. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp người trẻ mắc bệnh này. Tuy nhiên, ở người trẻ tuổi, tốc độ phát triển và di căn của khối u lại thường nhanh hơn so với người cao tuổi. Do đó, cần theo sát tiến triển bệnh, điều trị hợp lý thì có thể kéo dài thời gian sống hơn.
– Tình trạng bệnh: Sự lan rộng của tế bào ung thư càng nhiều thì việc điều trị càng gặp nhiều khó khăn và tiên lượng bệnh cũng xấu đi.
– Bệnh lý kèm theo: Đối với trường hợp người bệnh có mắc các bệnh lý khác như bệnh gan, tăng huyết áp, bệnh tim mạch… thì điều trị cũng khó khăn hơn.
– Mức độ biệt hóa của tế bào ung thư: Nếu tế bào biệt hóa kém thì tình trạng bệnh thường tiến triển xấu hơn so với tế bào biệt hóa cao.
– Chế độ dinh dưỡng và tâm lý của người bệnh: Nếu duy trì chế độ ăn uống khoa học kết hợp tâm lý thoải mái thì người bệnh sẽ hồi phục sức khỏe tốt hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định đến việc duy trì sự sống cho người bệnh.
Về điều trị, để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất, bác sĩ cần căn cứ vào một số yếu tố như mức độ lan rộng, kích thước của khối u; vị trí tế bào ung thư di căn tới… Đồng thời, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ của thuốc điều trị cũng cần được xem xét.
Đối với giai đoạn di căn, việc chữa khỏi bệnh là rất khó. Vì vậy, mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là cải thiện triệu chứng, kéo dài thời gian sống cho người bệnh. Các phương pháp có thể được áp dụng trong giai đoạn này là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Có thể dùng thêm thuốc giảm đau, giảm buồn nôn… theo chỉ định của bác sĩ.
Ung thư trực tràng càng được phát hiện sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao. Bởi vậy, ngay trước khi bệnh bước sang giai đoạn di căn, người bệnh cần biết cách tầm soát, theo dõi chặt chẽ. Trong trường hợp ung thư trực tràng đã di căn thì người bệnh không nên quá lo lắng hay bi quan mà cần tích cực phối hợp với bác sĩ, tuân thủ phác đồ điều trị để quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.