Ung thư dạ dày là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 về đường tiêu hóa ở Việt Nam. Vì vậy, ung thư dạ dày có chữa được không là mối quan tâm của nhiều bệnh nhân cũng như người nhà. Phát hiện bệnh ở giai đoạn nào thì bệnh nhân có thể điều trị hiệu quả nhất?
Dấu hiệu ung thư dạ dày
Theo nghiên cứu, mỗi năm có trên 15.000 ca mắc mới ung thư dạ dày và hơn 11.000 người tử vong. Phần lớn các bệnh nhân đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao. Ung thư dạ dày có chữa được không còn tùy thuộc vào giai đoạn mắc bệnh. Vì vậy, người bệnh nên chú ý các dấu hiệu cảnh báo để điều trị sớm.
Ở giai đoạn đầu của ung thư dạ dày, có thể xuất hiện các triệu chứng sau:
– Hay bị đầy bụng sau khi ăn
– Cảm giác khó tiêu ở dạ dày
– Bị chán ăn
– Buồn nôn, ợ nóng
Trong các giai đoạn tiến triển của ung thư dạ dày sẽ có các triệu chứng sau:
– Khó nuốt, nôn mửa
– Có lẫn máu trong phân
– Giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân
– Đau bụng, vàng da, vàng mắt
– Cổ trướng do tích tụ các chất lỏng trong bụng
Các giai đoạn tiến triển chính của bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày sẽ trải qua các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 0 (giai đoạn sớm): Tế bào ung thư lúc này mới chỉ nằm ở lớp niêm mạc dạ dày.
Giai đoạn 1: Tế bào ung thư đã bắt đầu xâm lấn vào lớp thứ 2 của dạ dày nhưng chưa lan ra các bộ phận khác. Ở giai đoạn này vẫn chưa xuất hiện rõ các triệu chứng của bệnh ung thư dạ dày.
Giai đoạn 2: Các tế bào ung thư đã chuyển vị trí qua lớp niêm mạc dạ dày. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ xuất hiện một số biểu hiện bệnh rõ rệt hơn: đau bụng, buồn nôn….
Giai đoạn 3: Các tế bào ung thư đã lây lan ra các hạch bạch huyết và các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể.
Giai đoạn 4 (giai đoạn cuối): Lúc này, các tế bào ung thư đã di căn khắp các cơ quan trong cơ thể. Tỷ lệ tử vong tương đối cao.
Các phương pháp điều trị bệnh ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày ở các giai đoạn có mỗi phương pháp khác nhau. Để xác định ung thư dạ dày có chữa được không thì phải có phương pháp điều trị phù hợp với từng giai đoạn. Các phương pháp đang được áp dụng điều trị bệnh ung thư dạ dày phổ biến hiện nay:
Phẫu thuật: tùy thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh sẽ phẫu thuật một phần hoặc toàn bộ dạ dày, đồng thời loại bỏ các hạch lympho lân cận bị tổn thương. Tùy theo chỉ định của bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật mổ mở, thực hiện nội soi hoặc ứng dụng robot.
Xạ trị: Xạ trị thường áp dụng sau khi mổ để loại bỏ các dấu hiệu ung thư còn sót lại, qua đó hạn chế tối đa nguy cơ bệnh ung thư tái phát. Ngoài ra, xạ trị cũng được thực hiện khi ung thư đã di căn tới các hạch và hệ thống xương để giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng.
Hóa trị liệu (điều trị hóa chất): Ở phương pháp này, bệnh nhân sẽ được truyền hóa chất qua đường tĩnh mạch hoặc dùng thuốc uống. Phương pháp này có thể kết hợp với xạ trị hoặc áp dụng thời điểm trước và sau phẫu thuật. Dựa vào giai đoạn tiến triển của ung thư và tình trạng sức khỏe bệnh nhân sẽ áp dụng phác đồ hóa chất khác nhau.
Liệu pháp nhắm trúng đích: Được sử dụng khi ung thư đã tiến triển tại chỗ, di căn xa hoặc bị tái phát khi xạ trị hoặc thực hiện phẫu thuật đơn lẻ, không thể loại bỏ hết các tế bào ung thư triệt để.
Điều trị giảm nhẹ: Người bệnh sẽ được điều trị giúp giảm nhẹ triệu chứng của ung thư khi cơ hội chữa khỏi ít. Lúc này, các liệu pháp y khoa sẽ kết hợp với điều dưỡng để giảm bớt đau đớn cho bệnh nhân cũng như trị liệu tâm lý.
Ung thư dạ dày có cơ hội chữa khỏi được không?
Trong quá trình điều trị ung thư dạ dày có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn có thể ảnh hưởng phần nào đến khả năng chữa khỏi ung thư dạ dày. Để xác định ung thư dạ dày có chữa được không thì tùy thuộc vào từng giai đoạn, cũng như kích thước và độ lan rộng của khối và các yếu tố sau đây:
1. Tình trạng sức khỏe bệnh nhân
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả của quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân có sức khỏe tốt và tinh thần sẽ cảm thấy dễ chịu và thoải mái, dễ hồi phục sau mỗi đợt điều trị. Các bác sĩ khuyến nghị nên có kế hoạch chi tiết để chăm sóc bệnh nhân sau khi phẫu thuật hoặc sau điều trị tốt nhất.
2. Mức độ tiến triển của bệnh
Nếu các tế bào ung thư lan sang một bộ phận khác hoặc trở nặng thì mục tiêu điều trị ở giai đoạn này thường sẽ là tập trung kéo dài cuộc sống cho người bệnh. Bởi ung thư dạ dày đã di căn khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Lúc này, phẫu thuật cũng hiếm khi được sử dụng và thường thay thế bằng phương pháp hóa trị, xạ trị để giảm bớt cơn đau cho người bệnh.
3. Quá trình đáp ứng điều trị của cơ thể
Không phải bệnh nhân nào cũng phù hợp với điều trị ung thư dạ dày bằng thuốc hay thực hiện phẫu thuật, xạ trị,…Có khi điều trị ung thư dạ dày ở giai đoạn mới khởi phát đã khỏi hẳn hoàn toàn, hoặc vẫn gặp phải nguy cơ tái phát bệnh.
Do đó, bệnh nhân cần chú ý tuân thủ đúng lịch hẹn tái khám để bác sĩ có thể theo dõi, giám sát và kiểm soát bệnh.
4. Chế độ chăm sóc bệnh nhân
Thói quen sinh hoạt, ăn uống cũng góp phần quan trọng để bệnh nhân phục hồi sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Nên có chế độ vận động hợp lý, ăn nhiều rau, trái cây, hạn chế ăn các loại thực phẩm ngâm ủ, lên men lâu ngày, đồ nướng…
Ung thư dạ dày có chữa được không còn do phát hiện ở giai đoạn sớm, nếu như kịp thời phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách, bệnh nhân có thể được kiểm soát tốt và đáp ứng tốt cho việc điều trị. Theo thống kê, các ca bệnh ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn sớm thì cơ hội được chữa khỏi có thể lên tới 90%. Ngược lại nếu chẩn đoán muộn khi khối u di căn và xâm lấn sang các cơ quan khác thì tiên lượng sống thấp. Bởi vậy, nên tầm soát ung thư định kỳ để có điều trị đúng lúc. Đặc biệt, phải điều trị tận gốc khi bị nhiễm vi khuẩn HP.