Khi được chẩn đoán ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, người bệnh thường có tâm lý chán nản, buông xuôi. Bởi giai đoạn này, khối u đã di căn đến các bộ phận khác trong cơ thể, khả năng điều trị khỏi thấp. Tuy nhiên, nếu được chăm sóc và điều trị tích cực, người bệnh vẫn có cơ hội kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vậy ung thư buồng trứng di căn sống được bao lâu? Các phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng ở giai đoạn này là gì?
Tìm hiểu khái niệm ung thư buồng trứng di căn là gì?
Các triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng thường không rõ ràng, vì vậy người bệnh hay bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa hay bệnh về đường tiêu hóa. Phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh thường ở giai đoạn khối u đã bắt đầu di căn. Thông thường, ung thư buồng trứng sẽ bắt đầu di căn gần ở giai đoạn 2, giai đoạn 3. Đến giai đoạn 4, khối u đã di căn xa không chỉ gây khó khăn trong việc điều trị mà còn làm giảm tiên lượng sống của bệnh nhân.
Tiên lượng ung thư buồng trứng di căn theo các giai đoạn
1. Giai đoạn 2
Ở giai đoạn này, khối u đã bắt đầu lan rộng ra tới các cơ quan lân cận trong xương chậu như tử cung, ống dẫn trứng, đại tràng… Tỷ lệ sống trên 5 năm của giai đoạn này là 70%.
2. Giai đoạn 3
Khối u lan rộng hơn nữa đến các cơ quan lân cận. Ở giai đoạn 3A, tế bào ung thư có thể không tìm thấy trong các hạch bạch huyết nhưng các tế bào vi mô đã lan đến khoang bụng. Ở giai đoạn 3B, khối u ở khoang bụng đã phát triển với kích thước dưới 2 cm đường kính. Ở giai đoạn 3C, khối u đã lớn hơn 2 cm. Tế bào ung thư đã lan rộng từ xương chậu đến bụng, thậm chí có thể lan đến bề mặt của các cơ quan xa hơn như gan hoặc lá lách. Tỷ lệ sống trên 5 năm của giai đoạn này giảm còn 25%.
3. Giai đoạn 4
Đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn ung thư được chia làm 2 giai đoạn nhỏ:
– Giai đoạn 4A: Lúc này, các tế bào ung thư được tìm thấy trong chất lỏng xung quanh phổi (hay còn gọi là tràn dịch màng phổi ác tính). Tuy nhiên, tế bào ung thư chưa lan đến các vị trí bên ngoài vùng chậu hoặc ổ phúc mạc.
– Giai đoạn 4B: Tế bào ung thư đã lan rộng đến các vị trí bên ngoài vùng chậu hoặc ổ phúc mạc. Thậm chí di căn xa đến các cơ như gan, phổi, não…
Tỷ lệ sống trên 5 năm của giai đoạn này chỉ còn 15%. Tuy nhiên, con số này chỉ là tương đối.
Theo thống kê, trên thực tế có những bệnh nhân đáp ứng tốt liệu trình điều trị tuổi thọ kéo dài hơn rất nhiều. Do đó, khi bệnh nhân hỏi ung thư buồng trứng di căn sống được bao lâu? Các bác sĩ cho biết, điều đó còn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh cũng như khả năng đáp ứng điều trị. Ở giai đoạn 2, giai đoạn 3; khi khối u mới di căn gần, khả năng điều trị khỏi cao. Vì vậy, việc nhận biết sớm dấu hiệu ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu sẽ giúp người bệnh tăng cơ hội sống.
Dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng
– Bị rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, táo bón, tiêu chảy
– Thường xuyên đau bụng dưới.
– Chán ăn kéo dài.
– Cân nặng tăng giảm không rõ nguyên nhân.
– Chảy máu vùng âm đạo bất thường kèm cảm giác đau đớn
– Đau khi quan hệ tình dục.
– Đau vùng chậu và đau lưng không rõ nguyên nhân…
Khi thấy có những dấu hiệu trên, các chị em không nên chủ quan mà cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và phát hiện kịp thời. Bệnh được điều trị càng sớm khả năng chữa khỏi càng cao.
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng di căn
Tùy vào mức độ tiến triển của bệnh, sự di căn của khối u cũng như phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của người bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp điều trị đích hay điều trị nội tiết.
1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị chính giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u. Tùy vào vị trí và kích thước của khối u, bác sĩ sẽ tiến hành mổ phanh hoặc mổ nội soi. Trường hợp bệnh nhân còn muốn sinh con, bác sĩ sẽ tìm cách bảo toàn một bên buồng trứng và tử cung nếu chưa bị khối u xâm lấn.
2. Hóa trị, xạ trị
Phương pháp này sử dụng hóa chất hoặc các tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Người bệnh thường gặp phải các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, chán ăn, rụng tóc, mệt mỏi…
3. Liệu pháp nhắm trúng đích (hay còn gọi là thuốc điều trị đích)
Phương pháp này sử dụng một số loại thuốc đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là một phương pháp mới, đem lại nhiều kết quả tích cực, giúp làm chậm tốc độ phát triển của khối u hiệu quả.
Mỗi bệnh nhân, có thể sử dụng những loại thuốc khác nhau, liều lượng khác nhau, nhằm đảm bảo mang đến kết quả điều trị tốt nhất, ít tác dụng phụ nhất.
4. Điều trị nội tiết (liệu pháp hormone)
Phương pháp tập trung làm ức chế các hormone giúp khối u tăng trưởng.
Lưu ý, không có phác đồ điều trị chuẩn chung cho tất cả người bệnh mắc ung thư. Có thể cùng bị mắc ung thư buồng trứng di căn, nhưng với trường hợp này chỉ cần phẫu thuật nhưng trường hợp kia lại cần kết hợp cả phương pháp phẫu thuật và hóa trị.
Ung thư buồng trứng là nỗi lo sợ của rất nhiều chị em. Đặc biệt, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối nhiều người lo sợ liệu ung thư buồng trứng di căn sống được bao lâu? Chúng ta cần phải biết rằng, rất nhiều trường hợp ung thư buồng trứng di căn có thể chữa khỏi và sống lâu hơn 10 năm. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như giai đoạn ung thư, mức độ xâm lấn, phác đồ điều trị, tuổi tác, sức khỏe của người bệnh… Việc giữ một tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực cũng là cách giúp chúng ta tăng khả năng đáp ứng điều trị, kéo dài tuổi thọ đấy.