Ung thư di căn là khi các tế bào ung thư tách khỏi khối u ban đầu, lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể, thông qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết. Khi phát bệnh ở giai đoạn này, người bệnh thường lo lắng về khả năng điều trị. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các phương pháp điều trị ung thư hiện nay để xem ung thư di căn có chữa được không nhé.
Ung thư di căn là gì?
Ung thư di căn (hay còn gọi là khối u di căn) là tình trạng bệnh ung thư đã tiến triển, từ một vị trí ban đầu tế bào ung thư bắt đầu lan ra các bộ phận khác trong cơ thể.
Hầu hết các loại ung thư đều có khả năng bị di căn. Tuy nhiên, vị trí, số lượng, mức độ nguy hiểm của khối u phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như khả năng di chuyển, tốc độ phát triển của khối u, tuổi tác của người bệnh… Ví dụ, tế bào ung thư phổi có thể di chuyển lên não gây ung thư não, tế bào ung thứ vú có thể di chuyển đến gan gây ung thư gan.
Ung thư di căn tuy có đặc điểm và tính chất gần giống với ung thư nguyên phát nhưng mức độ phát tán và sự nguy hiểm lại lớn hơn rất nhiều.
Đặc điểm xâm lấn và di căn của tế bào ung thư
1. Giai đoạn xâm lấn
Tế bào ung thư xâm lấn nhờ các đặc tính sau:
– Tính di động (chính là khả năng di chuyển).
– Khả năng tiêu đạm ở các mô tế bào.
– Mất sự ức chế tiếp xúc của các tế bào.
2. Giai đoạn di căn
Ung thư có thể di căn theo các đường:
– Mạch bạch huyết (Bạch mạch): Trường hợp này thường gặp ở ung thư biểu mô. Ban đầu, tế bào ung thư có thể lây lan theo đường bạch mạch tại chỗ (đôi khi gây tắc mạch), sau đó lan đến bạch mạch vùng.
– Đường máu: Trường hợp này thường gặp ở ung thư liên kết. Các tế bào ung thư đi theo đường máu đến mao mạch rồi tăng trưởng ở đó.
– Đường kề cận: Tế bào ung thư đi theo các mạch máu và thần kinh, theo các lối ít bị cản trở. Ví dụ như ung thư dạ dày lan qua lớp thanh mạc vào ổ bụng rồi đến buồng trứng.
Theo các bác sĩ, quá trình di căn của các loại ung thư khác nhau về tốc độ. Tuy nhiên, nhìn chung thời gian càng lâu tế bào ung thư càng lan rộng. Do đó, việc ung thư di căn có chữa được không còn phụ thuộc rất lớn vào thời điểm phát hiện bệnh.
Các phương pháp để chẩn đoán ung thư di căn
Ung thư có thể di căn đến nhiều nơi trên cơ thể nên bệnh thường không có các triệu chứng rõ rệt. Để chẩn đoán chính xác tế bào ung thư đã di căn hay chưa? Cần phải dựa vào triệu chứng lâm sàng và các phương pháp khác như cận lâm sàng, nội soi, xét nghiệm…
Khám dựa trên các triệu chứng lâm sàng
Triệu chứng của ung thư di căn phụ thuộc vào vị trí, số lượng và kích thước của khối u trong cơ thể. Biểu hiện ban đầu thường gặp nhất là đau kèm theo các triệu chứng đặc thù khác. Ví dụ như ung thư di căn phổi, bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, khó thở, ho ra máu… Ung thư di căn não, bệnh nhân thường xuyên đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi kéo dài, thị lực suy giảm…
Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân bị ung thư di căn mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Ngoài ra, một số bệnh ung thư có tính di truyền nên bác sĩ sẽ tìm hiểu về môi trường sống, thói quen sinh hoạt và tiền sử gia đình để chẩn đoán sàng lọc.
Khám cận lâm sàng
Đây là phương pháp giúp phát hiện vị trí di căn của tế bào ung thư chính xác nhất. Người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các phương pháp như: siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp nhiệt, chụp lấp lánh hoặc chụp cộng hưởng từ.
Phương pháp nội soi
Phương pháp này có vai trò rất quan trọng trong việc sàng lọc, chẩn đoán ung thư. Đặc biệt với trường hợp bệnh nhân không triệu chứng.
Điển hình như ung thư dạ dày, khi mới di căn khối u có kích thước nhỏ khoảng vài mm, mức độ tổn thương chưa ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Khi nội soi dạ dày, bác sĩ có thể lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán mà không gây đau đớn cho bệnh nhân
Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể tìm ra các các protein đặc biệt hoặc các hoóc môn do tế bào ung thư sinh ra. Phương pháp này thường để chẩn đoán một số bệnh ung thư thuộc hệ tạo máu. Dựa vào kết quả huyết đồ có thể xác định được bệnh ung thư cũng như các bệnh bạch cầu.
Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như chẩn đoán tế bào học, chẩn đoán mô bệnh học. Nhiều trường hợp, có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để xác định chính xác vị trí, mức độ ung thư di căn.
Làm thế nào để điều trị ung thư di căn?
Mục tiêu của việc điều trị ung thư di căn là giảm mức độ xâm lấn của khối u, giảm nhẹ triệu chứng để tăng chất lượng sống cho người bệnh. Vì vậy, câu hỏi ung thư di căn có chữa được không vẫn là một thách thức lớn đối với nền y học.
Các phương pháp dùng để điều trị ung thư di căn gồm: Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormon, liệu pháp miễn dịch. Thông thường, dựa trên đặc điểm của khối u cũng như lựa chọn của người bệnh, bác sỹ sẽ thực hiện kết hợp các phương pháp để xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp. Quá trình điều trị có thể tập trung vào vị trí ban đầu của khối u hoặc bộ phận mà tế bào ung thư di căn tới.
Ngoài ra, chất lượng sống và khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh còn phụ thuộc vào các yếu tố như chế độ dinh dưỡng, vận động, tâm lý…
Theo các bác sĩ, để kích thích quá trình tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn ngừa và ức chế sự hình thành khối u cũng như ngăn chặn khối u di căn đến các vùng khác trong cơ thể, người bệnh cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có khả năng chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên.