“Ung thư dạ dày có lây không?” là câu hỏi khiến nhiều người lo lắng khi chẩn đoán mắc bệnh ung thư dạ dày. Liệu ung thư dạ dày có thể lây truyền từ khi tiếp xúc không? Chúng ta sẽ cùng giải đáp thắc mắc qua bài viết dưới đây.
Ung thư dạ dày có lây không?
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư xảy ra khi các tế bào trong niêm mạc dạ dày phát triển một cách không kiểm soát và hình thành các khối u. Các khối u này sẽ xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày đến các cơ quan khác của dạ dày, từ đó di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể.
Sợ ung thư có thể nói là tâm lý chung của mọi người, thậm chí có người vì sợ ung thư mà xa lánh, không dám tiếp xúc hay nói chuyện vì lo ngại bệnh ung thư sẽ lây lan qua đường ăn uống, giao tiếp hàng ngày. Vậy trên thực tế, ung thư dạ dày có lây không?
Theo cơ chế bệnh sinh, ung thư dạ dày là bệnh lý về gen, nó xuất phát từ đột biến gen từ đó gây ra sự mất cân bằng trong chu kỳ phát triển của tế bào, dẫn đến các tế bào phát triển một cách quá mức tạo thành khối u. Nguyên nhân có thể kể đến: hóa chất, di truyền, các tia xạ, virus…
Vì vậy, ung thư dạ dày nói riêng, ung thư nói chung sẽ không lây khi có tiếp xúc gần như chạm, hôn, ăn chung hoặc hít thở cùng một bầu không khí với bệnh nhân. Chưa có nghiên cứu nào cho thấy ung thư dạ dày lây nhiễm từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Hơn thế nữa, hệ thống miễn dịch bình thường trong cơ thể có thể tự tìm và tiêu diệt các tế bào lạ khi chúng xâm nhập từ bên ngoài môi trường vào cơ thể.
Trường hợp duy nhất mà bệnh ung thư dạ dày có thể lây lan là trong quá trình thực hiện cấy ghép nội tạng hoặc mô. Nếu nhận mô của người đã từng bị ung thư dù đã điều trị thì các tế bào ung thư có nguy cơ phát triển trở lại. Tuy nhiên, nguy cơ này cực kỳ thấp, chỉ có 2/10.000 ca cấy ghép nội tạng có thể xảy ra tình trạng lây lan ung thư. Hiện nay, công tác sàng lọc trước khi thực hiện hiến tạng ngày càng kỹ lưỡng nên hầu như không còn gặp phải tình trạng này.
Vì sao lại có lầm tưởng ung thư dạ dày có thể lây lan?
Sở dĩ nhiều người lo lắng bệnh ung thư dạ dày có thể lây nhiễm là do vi khuẩn HP. Vi khuẩn này là nguyên nhân chính gây nên các bệnh lý cấp và mãn tính đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, viêm hang vị dạ dày… từ đó dễ tiến triển thành ung thư dạ dày. Tuy nhiên, trên thực tế, có những trường hợp cũng cùng bị nhiễm vi khuẩn HP nhưng có người bị bệnh ung thư dạ dày, có người lại không bị mắc bệnh.
Cơ chế chuyển hóa từ các bệnh viêm dạ dày mãn tính tới ung thư dạ dày đã được nhiều công trình nghiên cứu quốc tế xác nhận. Vi khuẩn HP trong dạ dày cũng được tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp loại là tác nhân hàng đầu gây nên bệnh ung thư dạ dày.
Tuy nhiên, việc sinh hoạt lâu dài cùng người bệnh ung thư dạ dày có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bởi sự chia sẻ trong thói quen sinh hoạt, ăn uống.
Nhiễm vi khuẩn HP – Gia tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày
Theo các nghiên cứu, nếu bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) thì nguy cơ bị mắc ung thư dạ dày tăng từ 3-6 lần. Đặc biệt, trong quá trình điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, tá tràng, các bác sĩ phát hiện nhiều trường hợp người thân trong gia đình đến khám với biểu hiện tương tự: ăn không tiêu, ợ hơi, đau bụng, đầy bụng, hơi thở có mùi …Đã có trường hợp cả gia đình đều nhiễm loại vi khuẩn này. Các chuyên gia đánh giá nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP cao nhất vẫn là do cách ăn uống chung trong gia đình đã có người nhiễm HP, như dùng chung gia vị hoặc người bị nhiễm không dùng đũa riêng…
Trên thực tế, vi khuẩn HP tồn tại trong nước bọt, các mảng bám trên răng, phân. Do đó, chúng rất dễ lây lan trong cộng đồng từ người này sang người khác. Theo ước tính, có khoảng 70% dân số Việt Nam bị nhiễm vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này dễ lây truyền khi tiếp xúc gần như ăn uống chung hoặc thông qua tay nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
Chính vì sự lây lan của vi khuẩn HP khiến những người cùng sống chung có thể tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, nên khá nhiều người vẫn lo ngại ung thư dạ dày có lây không. Hãy nhớ rằng mặc dù vi khuẩn HP có thể lây, nhưng ung thư dạ dày thì không lây lan từ người bệnh sang người khỏe.
Ung thư dạ dày và cách phòng ngừa
Khi đã hiểu được, ung thư dạ dày có lây không, chúng ta cũng nên lưu ý các cách phòng ngừa căn bệnh này. Nên tuân thủ các nguyên tắc sau:
Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cân bằng: Hạn chế các loại thực phẩm nướng, hun khói, ngâm chua, các loại thịt cá ướp muối nhiều. Nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, các loại vitamin, khoáng chất và chất đạm nạc, thịt trắng.
Nên có lối sống lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi và tập thể dục thường xuyên để có thể lực và tinh thần tốt nhất. Hạn chế hút thuốc lá, các chất có cồn như rượu bia.
Điều trị sớm khi nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP liên quan đến sự tiến triển của bệnh ung thư dạ dày. Khi đã được chẩn đoán xác định nhiễm HP thì nên điều trị triệt để theo đúng phác đồ của bác sĩ, có chế độ ăn tách riêng trong gia đình. Sau khi điều trị xong vẫn nên theo dõi định kỳ.
Như vậy, thông qua bài viết này, chúng ta đã có câu trả lời cho câu hỏi ung thư dạ dày có lây không. Từ đó, hy vọng mỗi chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc điều trị, phòng ngừa. Nên chú ý nếu người bệnh ung thư nhiễm vi khuẩn HP, các thành viên còn lại trong gia đình nên sử dụng riêng các dụng cụ ăn uống, rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh, tầm soát sức khỏe thường xuyên. Đồng thời, hãy luôn động viên tinh thần người bệnh để họ lạc quan trong quá trình điều trị.