Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm và tùy vào từng giai đoạn tiến triển của bệnh mà có cách điều trị khác nhau. Trong đó xạ trị ung thư dạ dày là phương pháp điều trị hiệu quả và không gây xâm lấn. Vậy, có các cách xạ trị nào đối với ung thư dạ dày?
Khái niệm xạ trị ung thư dạ dày
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng các tia bức xạ có năng lượng cao để tác động trực tiếp vào các tế bào này, ngăn không cho chúng tăng trưởng. Các tia phóng xạ sẽ tác động chính xác tới các vị trí của các tế bào ung thư để giảm thiểu tác hại đối với các mô lành.
Đây là phương pháp chữa bệnh tại chỗ và chỉ có tác dụng lên các tế bào ung thư trong vùng được chiếu tia xạ.
Mục đích xạ trị trong điều trị ung thư dạ dày
Hỗ trợ trong quá trình điều trị. Đối với trường hợp khối u có kích thước lớn, xạ trị được sử dụng để thu nhỏ khối u trước khi thực hiện phẫu thuật, tạo điều kiện để phẫu thuật thành công hơn. Hoặc thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại.
Là phương thức điều trị chính hoặc kết hợp hóa trị trong trường hợp bệnh nhân không được chỉ định phẫu thuật dạ dày do tình hình sức khỏe không đáp ứng được phẫu thuật.
Hoặc nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn, xạ trị giúp giảm đau đớn do khối u gây ra, kéo dài thời gian và tăng chất lượng sống cho bệnh nhân.
Các cách xạ trị phổ biến đối với ung thư dạ dày
Hiện nay, có 3 cách xạ trị chủ yếu là xạ trị ngoài, xạ trị áp sát và xạ trị chuyển hóa. Tùy thuộc vào các yếu tố như kích thước, vị trí khối u, tiền sử bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xạ trị phù hợp.
1. Xạ trị chiếu ngoài
Bác sĩ sẽ chiếu các tia xạ máy gia tốc tuyến tính từ ngoài vào vị trí của các khối u bên trong dạ dày. Phương pháp này sẽ chiếu tia qua phần da ở bụng và có thể sẽ xuất hiện các tác dụng phụ bởi tia X tác động lên da, các cơ quan khác.
2. Xạ trị áp sát
Phương pháp này khá đơn giản, bác sĩ sẽ đặt tia phóng xạ trực tiếp vào dạ dày, nơi có khối u hoặc đặt tại khoang của cơ thể, gần với khối u nhất. Từ đó, tia xạ năng lượng cao sẽ tác động thẳng vào khối u, giúp loại bỏ khối u hiệu quả.
3. Xạ trị ung thư dạ dày chuyển hóa
Tương tự như hóa trị, ở phương pháp này bệnh nhân sẽ hấp thụ các tia xạ ở dạng viên uống hay tiêm truyền hóa chất qua tĩnh mạch. Đối với ung thư dạ dày thì đây là cách đưa thuốc trực tiếp tác động lên khối u ở hệ tiêu hóa dạ dày, đảm bảo thuốc đến đúng bộ phận bị ung thư.
Xạ trị trong ung thư dạ dày được thực hiện như thế nào?
Xạ trị ung thư dạ dày cũng tương tự như chụp X – quang nhưng thời gian lâu hơn. Bác sĩ sẽ tiến hành lên phác đồ và đo đạc cẩn thận để xác định chính xác vị trí và điều chỉnh liều lượng của tia xạ trị cho phù hợp.
Trong quá trình chiếu tia xạ, sẽ sử dụng liều xạ trị mạnh nhất, đủ để tác động đến khối u nhưng không gây tổn thương các tế bào khác, hạn chế tác dụng phụ có thể xảy ra. Quá trình xạ trị thường diễn ra trong khoảng 2 – 3 tiếng và không gây đau đớn.
Thường thì chiếu tia xạ trị được thực hiện 5 ngày/ tuần mỗi đợt và kéo dài khoảng 5 – 6 tuần tùy theo số lượng tia chiếu theo tình trạng bệnh.
Điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp xạ trị có hiệu quả không?
Trên thực tế, hiệu quả của điều trị ung thư dạ dày bằng phương pháp xạ trị sẽ được so sánh với mục tiêu điều trị ban đầu, điều trị triệt căn khi kết hợp với phẫu thuật hoặc phối hợp nhiều phương pháp hay chỉ điều trị triệu chứng. Điều này còn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh, tình hình sức khỏe và đáp ứng của bệnh nhân, càng về giai đoạn cuối thì khả năng chữa khỏi là khá thấp.
Đối với trường hợp xạ trị kết hợp thực hiện phẫu thuật để điều trị triệt căn ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi ung thư dạ dày. Tuy nhiên người bệnh vẫn có thể có nguy cơ tái phát do:
– Cơ thể người bệnh đã tồn tại sẵn tế bào dễ đột biến do hệ miễn dịch suy giảm từ trước, từ đó tiếp tục tăng sinh nhanh tạo ra khối u,
– Quá trình điều trị chưa thực sự triệt để trước đó, tế bào ung thư đã di căn trước phẫu thuật và chưa được phát hiện kịp thời, lây lan sang các vị trí khác.
– Người bệnh vẫn tiếp xúc các yếu tố có nguy cơ cao gây ung thư dạ dày như: tia phóng xạ, hóa chất, môi trường ô nhiễm, khói bụi… thì vẫn có khả năng tái phát.
Những tác dụng phụ khi xạ trị đối với ung thư dạ dày
Trong quá trình thực hiện xạ trị, các tia xạ cũng ít nhiều gây ra một số tác dụng phụ cho người bệnh như:
– Các vấn đề tổn thương cho da: Trong thời gian đầu điều trị, ở vị trí da tiếp xúc trực tiếp với tia xạ, bệnh nhân có thể thấy da đỏ nhẹ, đau rát, sau đó bong tróc, lột da, bạc màu như bị cháy nắng. Nguyên nhân là do tia xạ tác động lên các tế bào sản xuất sắc tố của da.
– Chán ăn, buồn nôn tiêu chảy: Đây là các tác dụng phụ phổ biến nhất sau mỗi lần xạ trị. Vì vậy, nên ưu tiên ăn thức chế biến lỏng để dễ hấp thụ dưỡng chất. Tránh ăn các món cứng, khô, đồ uống có cồn. Phải uống thật nhiều nước trong và sau lúc thực hiện xạ trị.
– Tình trạng mệt mỏi kéo dài: Sau xạ trị, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, kiệt sức do các khối u làm hệ miễn dịch sinh ra chất gây mệt mỏi.
– Thay đổi vị giác, khô miệng, đau cổ: Đối với bệnh nhân thực hiện xạ trị ở cổ và họng có thể gây ra tình trạng đau, khô đắng miệng rất khó chịu.
Theo các chuyên gia, những triệu chứng này sẽ hết sau một vài tuần điều trị. Đặc biệt, khi kết hợp xạ trị với hóa trị, tác dụng phụ sẽ nặng nề hơn, có thể gặp phải tình trạng rối loạn ăn uống. Thậm chí, có một số bệnh nhân phải tiến hành truyền dịch tĩnh mạch hoặc đặt ống dẫn truyền thức ăn để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho sức khỏe trong quá trình điều trị.
Bên cạnh đó, để giảm thiểu ảnh hưởng của tác dụng phụ khi xạ trị, nên tuân thủ các chỉ định trong điều trị, chăm sóc của bác sĩ; xây dựng chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi khoa học và suy nghĩ tích cực, lạc quan để chiến đấu với bệnh.
Chế độ chăm sóc bệnh nhân sau xạ trị
Sau khi xạ trị bệnh nhân cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp, sinh hoạt khoa học để nhanh chóng hồi phục thể lực.
– Ưu tiên ăn các món mềm, lỏng như cháo, súp, canh rau củ hầm, thịt xay để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động ổn định
– Hạn chế nêm nếm gia vị, đặc biệt là đường, muối, ớt…
– Nên chia bữa ăn thành nhiều bữa để người bệnh không bị sợ ăn, đồng thời giảm áp lực lên hệ tiêu hóa
– Bổ sung hoa quả nhiều nước để tăng cường vitamin cho hệ miễn dịch
– Uống nhiều nước để độc tố được đào thải nhanh khỏi cơ thể
– Chú ý tránh lau rửa hay bôi kem lên các vị trí đánh dấu xạ trị
– Giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái lạc quan, tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày
Có thể nói, xạ trị ung thư dạ dày là phương pháp được đánh giá cao về hiệu quả, không xâm lấn và gây đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để chọn lựa loại hình xạ trị phù hợp nhất.